Nhiều tác phẩm văn học lên sân khấu

26/03/2009 23:02 GMT+7

Cả sân khấu Kịch Phú Nhuận và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM đều chọn những tác phẩm văn học để chuyển thể thành kịch bản đưa lên sân khấu.

Sân khấu Kịch Phú Nhuận đang trên sàn tập vở Ngôi nhà bí ẩn, một kịch bản được chuyển thể từ truyện nước ngoài. Trong năm nay, NSƯT Hồng Vân còn có kế hoạch đưa hai tác phẩm khác là tiểu thuyết Giông tố Làm đĩ của nhà văn Vũ Trọng Phụng lên sân khấu. Trong đó, tiểu thuyết Giông tố được chuyển thể thành kịch bản tựa đề đầu tiên là Thác loạn được Hồng Vân “nhắm” sẵn cho Liên hoan sân khấu toàn quốc dự tính vào tháng 9 năm nay.

Từ lâu, sân khấu Phú Nhuận đã chú ý khai thác dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam những năm 1930 – 1945 với các tác giả như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố... Nhưng sau Kỹ nghệ lấy Tây, quyết định dựng thêm Giông tố Làm đĩ được Hồng Vân tiết lộ rằng do chị rất “kết” các nhân vật của truyện Vũ Trọng Phụng.

Theo Hồng Vân thì các nhân vật của Vũ Trọng Phụng thường có tính cách, sự gai góc rõ rệt. Vì vậy, khi chuyển thể từ tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu, các nhân vật của Vũ Trọng Phụng sẽ giúp diễn viên có nhiều đất diễn hơn so với tác phẩm của các nhà văn khác. Vở Số đỏ Kỹ nghệ lấy Tây đều có hiệu quả khán giả tốt, đó là động lực khiến sân khấu Phú Nhuận tiếp tục khai thác “mỏ vàng” Vũ Trọng Phụng.

Từ theo đuổi các tác phẩm văn học, Hồng Vân cũng bày tỏ ý tưởng muốn kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM để kết hợp những buổi diễn thành giờ học ngoại khóa về văn học cho các em học sinh. Đây là một ý tưởng tốt, có thể làm giàu đời sống văn học ở học sinh, giúp các em có nhiều con đường tiếp cận các tác phẩm văn học nước nhà. Tuy nhiên, Hồng Vân cũng cho biết tất cả vẫn còn là kế hoạch. Sân khấu Phú Nhuận vẫn cùng phía Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thực hiện những bước tiếp theo để ý tưởng có thể khả thi.

Trong một bầu không khí sân khấu trầm mặc với những vở diễn thường thường hiện nay thì tác phẩm gây xôn xao cũng là một kịch bản chuyển thể văn học khác: Vở Cánh đồng bất tận của đạo diễn Minh Nguyệt. Từ truyện cùng tên nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Minh Nguyệt đã đưa tác phẩm lên sân khấu với một đời sống khác, tạo hiệu quả tốt.

Điều đó cho thấy sức sống của sân khấu TP.HCM hôm nay đang là những kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học. Các tác phẩm của các nhà văn đã có sự nổi tiếng, có sức nặng nội dung câu chuyện lẫn tính cách nhân vật sẽ là sự đảm bảo tốt cho một vở diễn sân khấu. Tuy nhiên, có nhiều kịch bản chuyển thể văn học cùng một lúc có thể là một xu thế, nhưng cũng dễ đi đến sự bão hòa về khán giả. Sự “chiếm lĩnh” đó có lẽ cũng chỉ mang tính tạm thời, trong lúc sân khấu đang chờ những nhà viết kịch hôm nay.

Thuận An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.