Cuối tháng 10.2012, Quốc hội Myanmar đã thông qua luật Đầu tư nước ngoài mới và được Tổng thống Thein Sein ký ban hành vào ngày 2.11.2012. Về cơ bản, luật này có nhiều điểm thay đổi mang tính thuận lợi hơn cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Chẳng hạn, thời hạn thuê đất tăng lên 70 năm thay vì theo luật cũ là 45 năm.
Ưu đãi về thuế thu nhập DN cũng được kéo dài hơn. Nếu trước đây, NĐT được miễn thuế 3 năm tính từ năm đầu tiên đi vào sản xuất, thì nay được miễn 5 năm. Sau đó, nếu xét thấy có lợi cho Myanmar, chính phủ có thể quyết định kéo dài thêm thời hạn miễn giảm thuế.
Ngoài ra, Myanmar cũng khuyến khích đầu tư trong các lĩnh vực tạo nhiều công ăn việc làm, thân thiện với môi trường, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và sản xuất thay thế hàng nhập khẩu. Một điểm thay đổi nữa là nếu trước kia NĐT phải góp vốn tối thiểu 35% trong liên doanh, thì nay tỷ lệ góp vốn này sẽ do các đối tác thỏa thuận với nhau.
Việc cấp phép đầu tư, cũng như cấp phép hoạt động thương mại, cho DN nước ngoài có thuận lợi hơn so với trước đây hay không?
Thời hạn xem xét cấp phép đầu tư được rút ngắn. Theo luật mới, Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC) sẽ xem xét trả lời NĐT về việc dự án có được chấp thuận hay không trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, và nếu được chấp thuận thì trong vòng 90 ngày sẽ cấp phép. Thời hạn này trước đây có thể kéo dài đến 6 tháng hoặc 1 năm.
Về cấp phép hoạt động thương mại, các DN VN cần lưu ý, hiện tại chính phủ Myanmar chưa cho phép công ty nước ngoài kinh doanh trực tiếp tại Myanmar mà phải thông qua đối tác địa phương. Chỉ những công ty được phép kinh doanh xuất nhập khẩu mới được xuất nhập khẩu và mỗi chuyến hàng xuất hay nhập đều phải xin giấy phép của Bộ Thương mại Myanmar. Thời gian xin phép tùy thuộc vào từng mặt hàng, có thể mất từ 1 tuần đến 3 tháng. Tuy nhiên theo đánh giá chủ quan, thì trong tương lai Myanmar sẽ tiến tới bỏ giấy phép xuất nhập khẩu theo chuyến và mở rộng đối tượng được kinh doanh xuất nhập khẩu.
Các dự án đầu tư vào Myanmar Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư VN vào Myanmar (AVIM), hiện có khoảng 20 DN VN đang quan tâm và xúc tiến đầu tư vào thị trường này như: Tập đoàn dầu khí, Hoàng Anh Gia Lai Land, ASV Holdings, Dược phẩm Sài Gòn, Viettel, BIDV, Hàng không Việt Nam, Viettranimex, Simco Sông Đà, Công ty CP Động Lực, Vinaxuki, Viglacera, Tập đoàn cao su Việt Nam, Vinacafe... |
N.Trần Tâm (thực hiện)
Bình luận (0)