Trên cơ sở phân tích phổ điểm các môn hóa, tiếng Anh và các khối thi liên quan, tiến sĩ Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải, cho rằng phàn nàn này là có cơ sở.
Điểm chuẩn nhiều ngành phụ thuộc vào phổ điểm khối A01
Theo phân tích của chuyên gia này, nếu tách riêng phổ điểm từng khối thi, các ngành khối A01 năm 2021 sẽ có điểm chuẩn cao hơn năm 2020, mức cao hơn nhìn chung có thể từ 1 - 1,5 điểm, tốp giữa có thể tăng đến 1,5 điểm, tốp đầu tăng 0,5 - 1 điểm.
Còn khối A00, khoảng điểm từ 15 đến dưới 22,75 tăng nhiều so với năm 2020; từ khoảng điểm 22,75 - 30 thì lại giảm nhiều so với năm 2020, đặc biệt càng lên mức điểm cao, số lượt thí sinh (TS) đạt mức điểm tương ứng càng giảm sâu. Vì thế, các ngành khối A00 có điểm chuẩn năm 2020 từ 23 điểm trở xuống thì năm 2021 sẽ tăng; còn các ngành có điểm chuẩn năm 2020 từ 23 điểm trở lên thì năm 2021 sẽ giảm từ 0,5 - 1 điểm.
Tuy nhiên, trên thực tế hàng loạt trường ĐH lớn dùng cả khối A00 và A01 để xét tuyển nhưng không tách 2 tổ hợp này ra khi xác định điểm chuẩn, mà gộp chung vào để xác định điểm chuẩn theo mã ngành. Trước thực tế đó, trao đổi với báo chí cuối tuần qua, chính đại diện Bộ GD-ĐT cũng khuyên TS nên dùng tổ hợp mà mình đạt điểm cao nhất để tăng cơ hội trúng tuyển.
Vì thế, tiến sĩ Phạm Thanh Hà đã thiết lập một phổ điểm chung cho khối A00 và A01 để dự báo điểm chuẩn cho các ngành dùng đồng thời cả 2 khối này để tuyển sinh.
Do hầu hết TS sẽ đồng thời có điểm của cả 2 tổ hợp nên TS sẽ chọn tổ hợp có điểm cao nhất để đăng ký nguyện vọng. Như vậy để xác định số lượng TS theo một ngưỡng điểm nào đó, chuyên gia đã lấy giá trị lớn nhất của số lượng TS theo 2 tổ hợp tại ngưỡng điểm tương ứng. Vì thế phổ điểm khối hỗn hợp A00 - A01 năm nay được tạo nên bởi hầu hết điểm thi của khối A01. Đặc biệt, với những ngành lấy điểm chuẩn từ mốc 22,5 điểm trở lên thì phổ điểm của khối hỗn hợp được lấy từ phổ điểm của khối A01. Kết quả cho thấy các ngành lấy điểm chuẩn từ 15 - 22,5 tăng ở mức khá, khoảng từ 23 - 26 có thể tăng nhẹ, các ngành lấy từ 26,5 trở lên sẽ gần như không tăng.
|
Do mức độ phân hóa không tương đồng của đề thi 2 môn
Khối A00 là tổ hợp 3 môn toán - lý - hóa, khối A01 là tổ hợp 3 môn toán - lý - tiếng Anh, sự khác biệt giữa 2 khối là môn hóa và môn tiếng Anh.
Trên các diễn đàn tuyển sinh, nhiều TS đã đầu tư ôn thi khối A00 (đặc biệt là những TS có nguyện vọng đăng ký vào các trường tốp trên như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân...) bày tỏ sự bất bình về việc phải chịu bất công do mức độ phân hóa không tương đồng giữa đề thi 2 môn hóa và tiếng Anh trong cùng một kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo các TS, nếu các trường tách hai tổ hợp này ra để xác định điểm chuẩn thì xu hướng tăng, giảm điểm chuẩn của từng khối không tạo sự bất công. Đằng này, vì gộp vào xét chung, nên TS điểm cao khối A00 sẽ có nguy cơ bị “đẩy” ra bởi các TS điểm cao khối A01, mà việc điểm cao khối A01 lại xuất phát từ nguyên nhân đề tiếng Anh... dễ.
Một TS có nguyện vọng vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phàn nàn: “Em tập trung học toán - lý - hóa 3 năm để xét ĐH, còn học tiếng Anh là đối phó với mục tiêu chỉ để đỗ tốt nghiệp. Giờ em phải xoay sang xét tổ hợp A01 thì sao lại được với mấy bạn không tập trung học hóa để đầu tư cho môn tiếng Anh?”.
Theo phân tích của các chuyên gia, sự phàn nàn của TS là có cơ sở. Nếu so sánh tỷ lệ TS đạt từng phân khúc điểm của điểm thi môn hóa năm ngoái với năm nay, của môn tiếng Anh năm ngoái với năm nay, thì mức tăng trưởng 2 môn có sự khác biệt rõ rệt. Năm ngoái, có 94,86% TS đạt từ điểm 5 trở nên ở môn hóa, năm nay giảm xuống còn 83,70%. Với tiếng Anh, tỷ lệ TS đạt từ 5 điểm trở lên năm nay là 59,73%, cao gần gấp đôi năm ngoái (32,44%). Các mốc tiếp theo, nếu năm nay, ở mỗi mốc, số lượng TS đạt được điểm tương ứng của môn hóa chỉ tăng trên dưới 10% thì tiếng Anh tăng vài chục phần trăm so với năm ngoái.
Quy luật tăng này vẫn được duy trì ở các mức điểm rất cao, khu vực ít TS đạt được, nên sự “bất công” càng dễ nhận ra. Chẳng hạn, từ 8 điểm trở lên, với môn hóa năm ngoái có 16,65% TS đạt được, năm nay là 24,89%; với môn tiếng Anh, năm ngoái là 10,48%, năm nay vọt lên 24,08%...
Đáng chú ý, số TS dự thi môn tiếng Anh cao khoảng 2,5 lần số TS dự thi môn hóa. Vì thế, nếu xét về tỷ lệ, năm nay TS từ 8 điểm trở lên môn tiếng Anh tương đương môn hóa, nhưng về con số, tiếng Anh gần 208.745 TS, còn hóa là 86.627. Điều đó cho thấy sự ảnh hưởng điểm thi môn của tiếng Anh sẽ tác động lớn thế nào khi các trường xác định một điểm chuẩn chung cho cả 2 tổ hợp.
Cơ cấu thí sinh đỗ vào các trường của các tổ hợp sẽ có sự biến động
Trao đổi với Thanh Niên, cán bộ phụ trách tuyển sinh của nhiều trường ĐH cho biết theo thông lệ các năm trước trường vẫn dùng một điểm chuẩn cho cả 2 tổ hợp A00 và A01, kết quả xét tuyển cho thấy TS đỗ vào trường của 2 tổ hợp có cơ cấu hợp lý, vì thế các trường đều thấy không cần thiết phải chia chỉ tiêu cho từng tổ hợp. Tuy nhiên, kết quả thi môn tiếng Anh năm nay khiến nhiều trường bất ngờ, khiến cho cơ cấu TS đỗ vào các trường của các tổ hợp sẽ có sự biến động.
|
TP.HCM quyết định không tổ chức thi THPT đợt 2
Chiều 1.8, UBND TP.HCM có công văn gửi Sở GD-ĐT về việc không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 theo quy định của Bộ GD-ĐT vào ngày 5 - 7.8.
Công văn nêu rõ, UBND TP.HCM chỉ đạo không tổ chức thi đợt 2 do tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, toàn thành phố đang áp dụng cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. UBND TP giao Sở GD-ĐT căn cứ vào các quyết định của Bộ GD-ĐT và các quy định hiện hành, có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện xét đặc cách công nhận tốt nghiệp đối với các thí sinh đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT đợt 2 theo đúng quy định.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện TP.HCM có khoảng gần 3.000 thí sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT.
B.Thanh
|
Bình luận (0)