Nhiều thí sinh 'tranh thủ' làm môn xét tuyển đại học

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
26/06/2018 13:00 GMT+7

Bài thi tổ hợp 3 môn lý, hóa, sinh nhưng do trả lời trên cùng một phiếu trắc nghiệm nên nhiều thí sinh cho biết vẫn tranh thủ 'quay lại' làm thêm phần môn thi đăng ký xét tuyển đại học.

Một thí sinh tại điểm thi thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết do tổ hợp xét tuyển của em là khối A1 nên dù môn lý thi đầu tiên, đã nộp đề và giấy nháp cho giám thị để thi môn hóa nhưng em vẫn nhớ đề và tiếp tục suy nghĩ để trả lời những câu hỏi khó của đề lý, những môn kia em làm thật nhanh, chủ yếu chỉ để đủ điểm xét tốt nghiệp THPT. Chia sẻ thật thà này không chỉ ở một số ít thí sinh và cũng là cảnh báo mà nhiều giáo viên đã đưa ra từ năm 2017 khi áp dụng cách thức thi tổ hợp này.
Nhận xét về đề thi, nhiều thí sinh nói đề có độ khó tương đương với đề tham khảo đã được Bộ GD-ĐT công bố trước đó.
Trần Mỹ Hạnh, thí sinh tại điểm thi THPT Ngô Sỹ Liên, Bắc Giang, cho biết đề vật lý có xuất hiện duy nhất 1 câu hỏi đòi hỏi phải thực nghiệm (thuộc chương trình vật lý 11) nhưng không yêu cầu trực tiếp tiến hành thí nghiệm mà chỉ cần xử lý số liệu từ đồ thị đã cho là có thể làm được. "Đây là câu hỏi khá thú vị", Mỹ Hạnh nói.

Nhận xét về đề thi môn lý, các chuyên gia của Trung tâm Hocmai cho rằng đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối, càng về sau xu hướng này càng không rõ ràng. Thông thường 4 câu hỏi cuối của đề thi rất khó nhưng ở mã đề 206, chỉ có 2 câu được xếp vào dạng rất khó, 2 câu còn lại ở mức độ đơn giản. Trong khi đó, câu 34 lại rơi vào dạng cực khó.
Đặc biệt, đề thi xuất hiện những câu hỏi yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất vật lý nhưng không quá nặng về mặt tính toán như mọi năm (ví dụ câu 39 mã đề 206). Để làm được câu hỏi này, thí sinh phải có kiến thức vững chắc của cơ học ở lớp 10 kết hợp với việc phát triển kiến thức của phần cơ học trong chương trình vật lý 12. Như mọi năm, đề thi vẫn xuất hiện 2-3 câu hỏi về đồ thị nhưng không lạ và không quá khó
Với đề hóa học, các câu hỏi cực khó bắt đầu từ câu 73 đến 80 trong đó có sự kết nối kiến thức lớp 11 và 12 (câu 74 mã 209). Điểm mới của câu hỏi sơ đồ thí nghiệm năm nay là học sinh phải vận dụng kiến thức để trả lời thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức như mọi năm. Ví dụ câu 55 mã 209; câu 57 mã 202, yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất hóa học suy ra hiện tượng sau phản ứng…. Đề thi cũng xuất hiện các câu hỏi gắn với thực tiễn (câu 51 mã 209) về tác hại của khí CO - một loại khí thường xuyên xuất hiện trong các đám cháy gây tác hại cho con người.
Với đề môn sinh, so với đề thi năm 2017, đề thi năm 2018 ở mức độ khó hơn, các câu hỏi vận dụng cao đặc biệt nặng về tính toán, điểm 10 chắc chắn sẽ rất hiếm. Đề thi xuất hiện câu hỏi thí nghiệm (câu 99 mã đề 206; câu 93 mã đề 205). Đây là câu hỏi thuộc phần chương trình sinh học 11, học sinh phải liên hệ, suy luận từ kiến thức đã được học trong chương trình sách giáo khoa mới có thể xử lý được câu hỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.