Không chỉ có những điểm sai căn bản như Báo Thanh Niên ngày 6.4 thông tin, nhiều giáo viên cho biết tài liệu này vênh với sách giáo khoa về kiến thức.
>> Sai sót trong Atlat địa lý 12: Không ảnh hưởng đến việc ôn thi tốt nghiệp
>> Sai sót trong Atlat địa lý lớp 12
Đa số giáo viên dạy môn địa lý đều cho rằng do được phép mang vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nên atlat vô cùng quan trọng với học sinh (HS). Ngoài ra, vì địa lý là môn phụ nên chỉ khi nào biết các môn thi tốt nghiệp, HS mới chú tâm vào học, ôn tập. Vào thời điểm này, HS thắc mắc rất nhiều về những thiếu sót của atlat địa lý lớp 12 (NXB Giáo dục Việt Nam năm 2011) và sự vênh nhau với sách giáo khoa (SGK) nên giáo viên phải mất rất nhiều thời gian để giải đáp, đôi khi không biết trả lời thế nào cho đúng.
|
ĐBSCL không có tỉnh Hậu Giang
Giáo viên một trường chuyên tại TP.HCM chỉ ra rằng: “Trong khi SGK cho rằng Nhà máy thủy điện Buôn Kuôp đã xây xong thì atlat lại ghi đang xây dựng”.
Ở trang 29 về nội dung tỉnh thành, atlat không có tỉnh Hậu Giang ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trang 30 vùng kinh tế trọng điểm phía bắc có tỉnh Hà Tây lẽ ra phải có ghi chú nay thuộc Hà Nội… Ở phần công nghiệp, trong SGK cho rằng đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận có Bắc Ninh là trung tâm công nghiệp còn Bắc Giang là điểm công nghiệp. Thế nhưng, trong atlat lại cho rằng Bắc Giang cũng là trung tâm công nghiệp.
Cô Đỗ Thị Hoài, Tổ trưởng bộ môn địa lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cung cấp thêm: “Ở SGK, trang 101 ghi sản lượng khai thác thủy sản của nước ta năm 2005 là 1.791 ngàn tấn nhưng trong atlat thì ghi là 1.987,9 ngàn tấn”.
Mỹ Khê ở Quảng Ngãi hay Đà Nẵng?
Cô Lê Thị Thu Hồ, Tổ trưởng bộ môn địa lý Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết: “SGK ghi ở Nam Trung bộ có nhiều bãi tắm nổi tiếng như Mỹ Khê (Đà Nẵng), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)… Trong khi atlat lại chỉ bãi tắm Mỹ Khê ở địa phận của Quảng Ngãi. Theo SGK, TP.HCM là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước về giá trị sản xuất công nghiệp, còn Hà Nội được xác định là một trong những trung tâm công nghiệp lớn. Tuy nhiên, trong atlat lại minh họa 2 trung tâm này có độ lớn bằng nhau nên HS rất dễ nhầm khi kể trung tâm lớn hoặc lớn nhất của nước ta”.
Thiếu nhất quán
Theo thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng bộ môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), atlat phải là kiến thức chuẩn mực cho HS, thế nhưng tài liệu này lại biên tập không thống nhất. Chẳng hạn cùng là biểu đồ miền nhưng ở trang 15 và 17 lại trái ngược nhau. Biểu đồ tròn ở trang 10 cũng khác với những biểu đồ khác cùng loại trong atlat… Sự thiếu nhất quán này khiến HS sẽ không biết cái nào đúng, cái nào sai nên khó khăn khi tiếp nhận và xử lý.
Bích Thanh
Bình luận (0)