Nhiều thông điệp của Thủ tướng được lan tỏa

11/07/2017 18:28 GMT+7

Chuyến thăm hai nước Đức, Hà Lan và tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại TP Hamburg (Đức) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau hơn 1 tuần đã kết thúc tốt đẹp và đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu quan trọng.

Trước tiên, đó là thông điệp về một Việt Nam đang cải cách mạnh mẽ, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế.
Trước khoảng 1.000 công ty tại 2 diễn đàn doanh nghiệp ở Đức và Hà Lan, một con số kỷ lục, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư khó tính, mà nói như Thủ tướng, "các nhà đầu tư tiêu chuẩn cao, không tiêu cực, hối lộ".
Người đứng đầu Chính phủ đã phát đi thông điệp mạnh mẽ, rằng: Môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đang được cải cách để tiệm cận đến những chuẩn mực pháp lý quốc tế. Chính phủ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện và bảo vệ lợi ích của những nhà đầu tư chân chính.
Đáp lại, những công ty lớn của châu Âu không chỉ đến đây để thăm dò mà có những hợp tác quan trọng đã được ký kết. Khi Thủ tướng rời khỏi hội trường diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Đức chiều 6.7 ở Thủ đô Berlin, số văn kiện hợp tác được thông báo mới dừng ở con số hơn 25, với số vốn khoảng 1,5 tỉ euro. Nhưng đến cuối ngày hôm đó, đã có 10 hợp đồng lớn được ký thêm để nâng tổng số tiền hợp tác lên tới 4 tỉ euro.
Đại sứ Việt Nam tại Đức, ông Đoàn Xuân Hưng, trong cuộc cà phê với PV Thanh Niên sáng hôm sau, đã chia sẻ người Đức rất thực tế, và nếu cảm thấy cuộc gặp chỉ là ngoại giao mà khó chuyển hóa thành hợp tác làm ăn thì họ sẽ không khách khí mà ngồi lâu. Thế nhưng, việc ngoài 600 doanh nghiệp đăng ký được vào hội trường chính còn có thêm hơn 100 đại diện ở ngoài phòng họp nán lại tới phút cuối cùng, cho thấy đây là thời cơ chín muồi để những thúc đẩy các hợp tác kinh tế thực chất giữa hai nước.
Tương tự, Phó thủ tướng Hà Lan cũng đã nhắc lại, hình ảnh những thương nhân nước ngoài đầu tiên mở văn phòng, đặt chi nhánh ở Hội An, Phố Hiến chính là người Hà Lan, để tin tưởng vào một triển vọng tốt đẹp hơn nữa trong quan hệ hai nước, mà làm ăn kinh tế là trụ cột. Lãnh đạo hai nước tin rằng, dù không có chung đường biên giới, song Hà Lan và Việt Nam sẽ là những người hàng xóm đích thực.
Mục tiêu lớn thứ hai của chuyến công du cũng thành công không kém khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, thông qua diễn đàn G20, đã lồng ghép những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự APEC 2017 (mà Việt Nam là chủ nhà) vào các vấn đề chính mà hội nghị thượng đỉnh G20 thảo luận. Đó là các chủ đề về phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng.
Hội nghị G20 tại TP.Hamburg cũng có thể coi là điểm nhấn của chuyến đi khi Thủ tướng đã phát biểu với tư cách diễn giả chính tại diễn đàn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông, đồng thời là quốc gia có trách nhiệm trong thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Một thành công không thể không kể đến nữa là bên lề hội nghị, những cuộc gặp với lãnh đạo của các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, liên minh châu Âu, Úc, Canada, Ấn Độ, Singapore… đã đạt được đồng thuận về thúc đẩy hợp tác song phương. Nguyên thủ của nhiều nước cũng đã nhận lời mời của Thủ tướng sang thăm Việt Nam và dự hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 tới, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Có thể khẳng định, chuyến đi thăm Đức, dự hội nghị G20 và thăm Hà Lan lần này của người đứng đầu Chính phủ là "mũi tên trúng nhiều đích". Sau chuyến công du, hình ảnh, vị thế Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế và nhất là mở ra một làn sóng mới trong việc thu hút đầu tư có chất lượng từ các nền kinh tế hàng đầu châu Âu vào trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.