Nhiều thông tin mới về việc làm của khối ngành du lịch

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
12/03/2024 15:41 GMT+7

Theo khảo sát của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên khối ngành du lịch đạt trên 94%, cao thứ 2 sau khối ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, đó là thời điểm trước dịch Covid-19. Vậy trong giai đoạn hiện tại và sắp tới, du lịch đã được phục hồi thì việc làm có 'hot' hơn trước?

Những vấn đề này sẽ được tiếp tục đặt ra trong phần 2 chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành du lịch-dịch vụ" của Báo Thanh Niên từ 15 giờ 45 - 16 giờ 45 ngày 12.3.

Chương trình đang được phát trực tuyến trên các nền tảng: website thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên.

https://www.youtube.com/watch?v=YX9SsemAeco

Nhiều thông tin mới về việc làm của khối ngành du lịch- Ảnh 1.

Du lịch đã được phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu nhân lực sẽ ngày càng tăng mạnh?

G.N

Nhiều thông tin mới về việc làm của khối ngành du lịch- Ảnh 2.

Các chuyên gia tham dự chương trình tư vấn đợt 2

LÊ THANH HẢI

Theo báo cáo thực trạng tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng được Bộ GD-ĐT công bố, du lịch-khách sạn-thể thao-dịch vụ cá nhân và dịch vụ vận tải là 2 lĩnh vực đào tạo đạt tỷ lệ cao trước khi dịch Covid-19 xảy ra (với trên 94%). Tỷ lệ này chỉ thấp thấp hơn so với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực kỹ thuật.

Đến thời điểm hiện nay và giai đoạn sắp tới, thực trạng việc làm của sinh viên khối ngành du lịch-dịch vụ ra sao?

Những thông tin mới nhất về tình hình việc làm, nhu cầu thị trường lao động thuộc khối ngành du lịch-dịch vụ của cả bậc CĐ và ĐH sẽ được đại diện các trường ĐH, CĐ thông tin đến bạn đọc.

Bên cạnh đó, đại diện các trường sẽ chia sẻ về phương thức tuyển sinh năm 2024: Phương thức tuyển sinh có điểm gì mới, đặc biệt đối với khối ngành du lịch-dịch vụ? Bậc CĐ tuyển sinh có gì khác so với bậc ĐH? Chính sách học bổng hỗ trợ cho sinh viên khó khăn ra sao?...

Tham gia chương trình có các chuyên gia tư vấn gồm:

PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, Trưởng khoa Quản trị du lịch-nhà hàng-khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Nhiều thông tin mới về việc làm của khối ngành du lịch- Ảnh 3.

Nhân lực phục vụ cho ngành du lịch đang rất cấp thiết

PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội đào tạo du lịch Việt Nam, Trưởng khoa Quản trị du lịch-nhà hàng-khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay:

Cuối năm 2023 du lịch Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,4 lần năm 2022 và vượt xa mục tiêu đặt ra đầu năm là 8 triệu. Khách nội địa là 108 triệu lượt khách, vượt qua thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Ngành du lịch có sự tăng tốc sau đại dịch. Một trong những yêu cầu đặt ra là nhân lực phục vụ cho ngành du lịch đang rất cấp thiết. Kết quả khảo sát của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trong 1, 2 năm vừa qua cho thấy tỷ lệ sinh viên ngành du lịch có việc làm là 88-90%, cao hơn so với nhiều khối khành khác. Các em có việc làm ngay từ khi con đi học, nhiều bạn đi thực tập được giữ lại làm việc

Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng bộ môn Du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM

Nhiều thông tin mới về việc làm của khối ngành du lịch- Ảnh 4.

Những yếu tố cần có khi học ngành du lịch 

Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng bộ môn Du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM, lưu ý 3 nhóm yếu tố cần thiết mà những người học ngày du lịch cần có.

Một là, người học có kiến thức chuyên sâu về du lịch, văn hóa, xã hội. Hai là, sinh viên có thái độc tích cực tinh thần cầu tiến, vượt khó và đam mê nghề nghiệp, tính hướng ngoại năng động và cởi mở. Ngoài ra, sinh viên cần kỹ năng ngoại ngữ. Bên cạnh tiếng Anh, các bạn nên trau dồi thêm tiếng Nhật, Hàn, Trung hay Pháp tùy nhu cầu thị trường, lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu sinh viên tốt nghiệp đáp ứng đủ 3 yếu tố trên thì sẽ được ưu tiên tuyển dụng

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn

Nhiều thông tin mới về việc làm của khối ngành du lịch- Ảnh 5.

Thị trường chỉ đáp ứng 70% nhu cầu mà ngành nhà hàng khách sạn đang cần

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn cho hay: Ngành du lịch Việt Nam đang rất sôi động, riêng TP.HCM dẫn đầu cả nước và được công nhận điểm du lịch hàng đầu châu Á. Sau dịch Covid-19, ngành du lịch có sự chuyển dịch lớn. Nhiều anh chị trong ngành chuyển sang nghề khác nên là cơ hội lớn cho các em yêu thích ngành này. Chỉ cần học CĐ trong vòng 2,5 năm học, các bạn có thể tham gia thị trường lao động. Nhân lực ngành du lịch có tỷ lệ qua đào tạo bậc ĐH chiếm 10%; CĐ, sơ cấp, trung cấp chiếm 50%. Hiện các tập đoàn khách sạn lớp của thế giới đều có mặt tại Việt Nam, liên tục tìm kiếm nhu cầu nhân lực sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, thị trường chỉ đáp ứng 70% nhu cầu mà ngành nhà hàng khách sạn đang cần.

Sự khác biệt giữa các ngành học

Bạn đọc Trần Lâm (TP.HCM) hỏi: "Em thấy có trường đào tạo ngành du lịch, có trường là ngành quản trị dịch vụ du lịch, có trường lại là ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Các ngành này có khác nhau hay không?".

Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương, Trưởng bộ môn Du lịch Trường ĐH Mở TP.HCM, cho hay, mỗi trường có một tên gọi khác nhau. Sự khác biệt này thể hiện chiến lược, mục tiêu đào tạo của nhà trường và mỗi trường thiết lập một chương trình đào tạo riêng.

Ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được đánh giá cao với nhiều tiềm năng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nó bao gồm các hoạt động liên quan đến quá trình quản lý và điều hành du lịch, thiết kế điều hành công việc của nhiều bộ phận phòng ban khác để phát triển du lịch.

Khối ngành du lịch - dịch vụ: Học ngành nào 'việc nhẹ, lương cao'?

Sinh viên ngành này được trang bị kiến thức về văn hóa xã hội, nghiệp vụ du lịch như thiết kế, quản lý điều hành tour du lịch cùng những kỹ năng như hoạt náo trong du lịch.

Về tổng quan, sinh viên ngành du lịch được đào tạo các nội dung quản lý nhà nước về du lịch, kinh tế du lịch. Tại Trường ĐH Mở TP.HCM, sinh viên sẽ học các môn như du lịch sinh thái, du lịch bền vững với lượng kiến thức sâu rộng về văn hóa xã hội, thiết kế du lịch theo hướng phát triển hiện nay như du lịch mạo hiểm... Còn nhiều ngành khác trong lĩnh vực du lịch như quản trị khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, quản trị nhà hàng... Tùy theo tên gọi, chúng ta có thể hiểu được chương trình học bao gồm những nội dung gì.

Chính sách học bổng và hỗ trợ người học

PGS-TS Nguyễn Quyết Thắng: Nhiều năm qua, trường cấp học bổng dành cho học sinh hoàn cảnh khó khăn có kết quả học tập tốt. Ở khối ngành dịch vụ du lịch, khoa hợp tác với khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành để sinh viên có việc làm thêm bán thời gian.

Tiến sĩ Hà Thị Thùy Dương: Trường có quỹ học bổng 40 tỉ đồng dành cho thủ khoa, á khoa tuyển sinh cùng những suất học bổng toàn phần, học bổng khuyến khích học tập, học bổng tiếp sức đến trường... Sinh viên ngành du lịch được hỗ trợ nâng cao kỹ năng bằng việc tham gia chương trình thực tập có lương. 

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân: Hằng năm 4 thủ khoa của 4 nhóm ngành đều được nhận học bổng đầu vào và đầu ra. Học phí của Trường CĐ Du lịch Sài Gòn chỉ từ 10-12 triệu đồng/học kỳ. Ngành kỹ thuật chế biến món ăn và hướng dẫn viên được nhà nước hỗ trợ học bổng 8-9 triệu đồng/năm. Các bạn học hết năm nhất cũng được trường hỗ trợ giới thiệu việc làm để có thêm thu nhập.

Học làm đầu bếp có tương lai?

Bạn đọc Ngọc Hồi (Q.6, TP.HCM) hỏi: "Từ nhỏ, em vốn thích nấu nướng trở thành một đầu bếp 'xịn'. Tuy nhiên, ba mẹ lo lắng em học nghề bếp thì công việc tương lai sẽ cực nhọc, chỉ quẩn quanh trong bếp. Em muốn hỏi học ngành này em có tương lai ra sao?".

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, giải đáp: "Ẩm thực Việt Nam rất nổi tiếng, được ví von như cái bếp của cả thế giới, góp phần thu hút nhiều du khách đến nước ta. Ai cũng nghĩ rằng nghề bếp vất vả, làm việc chân tay, nghề truyền nghề. Tuy nhiên, khái niệm đầu bếp hiện nay hoàn toàn khác. Người học nghề bếp được đào tạo rất chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, thế giới có nhiều kỳ thi đầu bếp nổi tiếng. Các bạn làm nghề này có mức lương rất tốt, từ 16-40 triệu đồng/tháng.

Để làm nghề bếp, các bạn có thể học ngành kỹ thuật chế biến món ăn. Ngành này cùng với ngành hướng dẫn viên đang được nhà nước hỗ trợ học bổng, từ 8-9 triệu đồng/năm. Các bạn sẽ được trang bị nhiều kỹ năng của nghề, từ cách cầm dao, tỉa củ quả, nấu món ăn Á-Âu cho đến xây dựng thực đơn và quản lý bếp…

Chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh của các trường

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có 4 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi đánh giá năng lực và xét học bạ. Trường đang nhận hồ sơ xét tuyển học bạ trực tuyến hoặc trực tiếp. Học sinh cần thêm thông tin trước khi quyết định đăng ký xét tuyển có thể liên hệ bộ phận tuyển sinh của trường để được giải đáp thắc mắc. Riêng các ngành về du lịch của trường có phòng mô phỏng khách sạn 5 sao với quầy lễ tân cùng nhiều phòng chức năng khác nhau để sinh viên thực hành nghiệp vụ.

Trường ĐH Mở TP.HCM năm nay tuyển sinh 5.300 chỉ tiêu với một số ngành học mới như: trí tuệ nhân tạo và bảo hiểm. Các phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, ưu tiên xét tuyển và xét điểm thi đánh giá năng lực.

Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, lưu ý cách thức tuyển sinh hệ CĐ hoàn toàn khác với ĐH. Mỗi trường có thông báo tuyển sinh riêng được đăng trên website chính thức của trường. Trường CĐ Du lịch Sài Gòn xét tổng điểm trung bình lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 từ 6,0 trở lên. Nhà trường đã mở cổng tiếp nhận đăng ký. Các bạn có thể chọn: ngành quản trị khách sạn nhà hàng (62 triệu/khóa), quản trị lữ hành (56 triệu đồng/khóa), hướng dẫn viên (57 triệu đồng/khóa) và kỹ thuật chế biến món ăn (49 triệu đồng/khóa). 

Bạn đọc có thể xem lại phần 1 của chương trình TẠI ĐÂY

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.