Về cơ bản, có thể nói bà Hillary Clinton khi ra tranh cử tổng thống lần thứ hai ở Mỹ có nhiều thuận lợi hơn so với 8 năm trước dù thách thức cũng không phải ít.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - Ảnh: AFP
|
Thuận lợi lớn nhất và quyết định nhất là nội bộ đảng Dân chủ Mỹ thống nhất và dường như có sự nhất trí ngầm tập trung hậu thuẫn bà Clinton chứ không tranh giành quyền được đảng đề cử.
Thuận lợi quan trọng không kém là sau giai đoạn làm ngoại trưởng, bà đã nổi danh khắp nước Mỹ và thế giới chứ không chỉ đơn thuần là thượng nghị sĩ và cựu đệ nhất phu nhân như hồi 2007 - 2008.
Hơn nữa, bà Clinton được xem là trung dung chứ không lệch tả hay thiên hữu trong đảng và được công nhận có khả năng hợp tác với các nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong quốc hội cũng như với giới kinh tế. Hay nói cách khác, bà Clinton không cực đoan như ông George W.Bush và có khả năng khắc phục những điểm yếu trong phong cách cầm quyền của ông Barack Obama.
Một tổng thống là phụ nữ, lại coi trọng tầng lớp trung lưu và điều kiện sống, làm việc của gia đình trong xã hội như bà Clinton là những điều được rất đông đảo cử tri mong chờ. Kinh tế Mỹ tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp thấp và nội bộ đảng Cộng hòa rạn nứt cũng là những thuận lợi quan trọng.
Khó khăn lớn đối với bà Clinton là huy động tiền cho vận động tranh cử sẽ rất tốn kém và rất “bẩn thỉu”, là cái dớp chưa khi nào đại diện của đảng Dân chủ cầm quyền 3 nhiệm kỳ liên tục kể từ năm 1951 và là chưa biết liệu nước Mỹ đã sẵn sàng cho một nữ tổng thống hay chưa.
Bình luận (0)