Nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư ở trẻ em

Liên Châu
Liên Châu
28/09/2022 04:21 GMT+7

Nhiều năm sau khi được thông báo khỏi bệnh, không cần dùng thuốc nữa, A.H, bé gái mắc ung thư máu 14 năm trước, điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư, hiện đã có công việc ổn định sau tốt nghiệp đại học.

Ung thư không phải là hết

“Con thuyền mơ ước” là chủ đề buổi gặp mặt các bệnh nhân ung thư đã được Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư tổ chức ngày 25.9 tại Hà Nội, nhân tháng nâng cao nhận thức về ung thư trẻ em.

Tại buổi gặp mặt, A.H chia sẻ: “Khi em có kết quả chẩn đoán ung thư máu, bố mẹ em đã rất lo lắng. Lúc đó em 8 tuổi, chỉ biết mình mắc bệnh nặng chứ không hiểu rõ ung thư nguy hiểm như thế nào. Sau đó, em đã trải qua 3 năm gắn bó với BV Nhi T.Ư, theo đuổi đầy đủ các liệu trình điều trị. Từ khi hoàn thành điều trị cho đến nay em có sức khỏe tốt, đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Kết quả tái khám hiện cho thấy sức khỏe bình thường, không có ung thư tái phát”.

Bệnh nhi ung thư chia sẻ về hành trình vượt qua bệnh tật tại buổi gặp mặt “Con thuyền mơ ước”

Lê Hiếu

14 năm về trước cùng điều trị với A.H có một bé gái mắc ung thư máu nay 21 tuổi, đang học năm thứ 3 một trường đại học tại Đà Nẵng. Nữ sinh viên này chia sẻ: “Em hiện có sức khỏe tốt, tham gia các hoạt động cùng các nhóm từ thiện hỗ trợ người bệnh ung thư. Em rất mong người mắc bệnh cũng như tất cả mọi người hiểu, ung thư không phải là hết. Tuân thủ đầy đủ điều trị, giữ tinh thần lạc quan, mạnh mẽ là rất quan trọng”.

Một hành trình vất vả

Theo TS-BS Bùi Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, BV Nhi T.Ư, thống kê trên thế giới cho hay ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến bệnh tật ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mỗi năm trên thế giới có thêm khoảng 280.000 người dưới 19 tuổi bị ung thư. Ở VN, con số này là khoảng 2.500 bệnh nhi. Tại các nước phát triển, trên 80% bệnh nhi ung thư được chữa khỏi, trong khi tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ chữa khỏi chỉ đạt 20%. Nguyên nhân chủ yếu là do các gia đình bệnh nhi bỏ cuộc, không điều trị. Trước đây tại BV Nhi T.Ư, tỷ lệ bỏ điều trị lên tới 20%, hiện tỷ lệ này đã giảm còn dưới 10%.

BS Lan nhắn nhủ, khi con bị bệnh, hãy luôn nghĩ ung thư có thể chữa khỏi và cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, gia đình cần đảm bảo dinh dưỡng, giúp con đủ sức khỏe để chống lại tình trạng nhiễm khuẩn khi điều trị bằng hóa chất hay phẫu thuật. Tại Trung tâm Ung bướu của BV có những cháu rất nhỏ, 1 tuổi đã điều trị ung thư. Nhiều cháu hiện đã bình phục, khỏe mạnh, đi học, đi làm, trưởng thành và thành đạt.

BS Lan chia sẻ: Hành trình điều trị ung thư là vất vả, như ung thư máu thời gian điều trị đến 3 năm, hoặc nếu tái bệnh thì đồng hành với BV đến 8 năm. Thời gian điều trị sẽ có những khó khăn, có thể gặp tác dụng phụ do hóa chất. Quan trọng nhất để có kết quả điều trị tốt là chẩn đoán sớm. Ở giai đoạn sớm, điều trị hóa chất ít, thậm chí chỉ cần phẫu thuật, đã có thể khỏi bệnh.

“Tuy nhiên, nếu các cháu ung thư nặng, giai đoạn cuối thì chúng tôi vẫn nỗ lực tìm những phương pháp điều trị tối ưu để có thể khỏi bệnh. Có thể bệnh nhi cần hóa chất, phẫu thuật, xạ trị, và quan trọng là vượt qua được biến chứng trong quá trình điều trị, ví dụ như nhiễm trùng”, BS Lan cho hay.

Đã có thuốc đích để điều trị ung thư cho trẻ

Về những tiến bộ trong điều trị ung thư ở trẻ em hiện nay, TS-BS Bùi Ngọc Lan cho hay trước đây điều trị ung thư ở trẻ nhỏ chỉ có thể bằng hóa chất, phẫu thuật và sau đó tiếp cận được với các cơ sở để xạ trị cho trẻ em. Xạ trị ở trẻ em phức tạp hơn so với xạ trị ở người lớn, do các cháu cần phải gây mê trong quá trình xạ trị, mà không phải BV nào cũng có thể thực hiện.

“Gần đây chúng ta đã có thuốc đích để điều trị ung thư cho trẻ. Các bệnh lý ác tính, với hóa chất thông thường trước đây chúng tôi có thể thất bại, nhưng phối hợp thuốc đích thì kết quả điều trị đã đạt được thành công khả quan. Tiến bộ gần đây nữa là tiến tới bảo tồn chi thể hoặc bộ phận mà trước đây các cháu phải phẫu thuật cắt bỏ”, BS Lan cho hay.

BS Lan nêu ví dụ: “Với trường hợp ung thư xương, trước đây bệnh nhi phải phẫu thuật cắt chi. Gần đây, chúng tôi phối hợp BV Xanh Pôn (Hà Nội) để có thể điều trị hóa chất phối hợp điều trị bảo tồn chi cho trẻ. Để điều trị bảo tồn được thì điều trị hóa chất phải rất tích cực, phải đạt hiệu quả để cho phép bảo tồn được chi. Hoặc lúc trước có những bé phải bỏ cả hai mắt do ung thư nhưng bây giờ chúng tôi cùng BV Mắt T.Ư điều trị bảo tồn bảo đảm cho trẻ có thể nhìn được, cho cuộc sống sau này”.

Về khả năng phát hiện sớm ung thư ở trẻ, BS Lan lưu ý: Các triệu chứng ung thư ban đầu có thể giống với các bệnh lý khác, nhưng các bệnh thông thường khi điều trị bằng các biện pháp thông thường mà chúng ta không thấy cải thiện thì các con cần được chuyển đến các cơ sở y tế chuyên sâu, đủ điều kiện phát hiện bệnh và điều trị sớm.

Trên thế giới, tháng 9 là thời điểm tổ chức các chiến dịch y tế quốc gia, tổ chức các sự kiện để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bệnh ung thư ở trẻ em. Gần đây, sáng kiến toàn cầu dành cho ung thư trẻ em - GICC (Global Initiative for Childhood Cancer) được thành lập với mong muốn hỗ trợ các nước đạt tỷ lệ sống sót của trẻ em ung thư ít nhất là 60% vào năm 2030 và giảm sự đau đớn cho trẻ em mắc ung thư. BV Nhi T.Ư là một trong các BV tham gia tổ chức GICC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.