Tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (Hà Nội), bố mẹ bé N.M.Q, ở Hải Phòng không khỏi ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ thông báo cậu con trai của anh chị phải điều trị chứng dậy thì sớm. Bố bé Q. cho biết mới hơn 9 tuổi nhưng Q. đã có thân hình vạm vỡ, cao lớn, giọng nói ồm ồm, đặc biệt, gần đây gia đình phát hiện thấy cháu có biểu hiện bất thường ở bộ phận sinh dục nên vội vàng đưa con đi khám.
4 - 5 tuổi đã dậy thì?
Trò chuyện với bác sĩ, chị H.T. L - Hà Nội kể từng cảm thấy rất tự hào khi cô con gái học lớp 2 đã phổng phao với chiều cao 138 cm, nặng 30 kg. Theo chị L., lúc 5 - 6 tuổi, thấy bé T. lớn nhanh chị cho rằng đó là bình thường vì “cháu khỏe, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cơ thể phát triển cũng là chuyện... dễ hiểu”. “Thế nhưng từ khi lên 7 tuổi, “vòng 1” của cháu bắt đầu có phát triển và đến giờ trông như một thiếu nữ 13 - 14 tuổi, trong khi các bộ phận khác của cơ thể cháu vẫn bình thường, vẫn chưa có kinh nguyệt. Ngay cả người anh trai T., hơn em gái 3 tuổi, chiều cao cũng chỉ tương đương cô em”- chị L. lo lắng.
|
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, Trưởng Khoa Nội tiết 2 (BV Nội tiết Trung ương), những trường hợp khám vì chứng dậy thì sớm ngày càng nhiều. Có những bé gái mới 4- 5 tuổi nhưng đã đầy đủ đặc điểm của một thiếu nữ ở tuổi dậy thì.
PGS-TS Nguyễn Thị Hoàn, Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (BV Nhi Trung ương), cho hay tuổi dậy thì bình thường được cho là “nữ thập tam, nam thập lục”, tức gái 13, trai 16. Tuy nhiên với cuộc sống hiện đại, điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa thay đổi nhanh chóng, độ tuổi bắt đầu dậy thì của cả nam lẫn nữ đều có xu hướng giảm dần. “Hiện nay, nếu bé gái trước 8 tuổi đã phát triển tuyến vú, có lông mu, thậm chí có kinh nguyệt; bé trai trước 10 tuổi mà dương vật to, có trứng cá, ria mép… thì được coi là dậy thì sớm”- PGS-TS Hoàn nói.
Dễ bị thấp lùn
Theo PGS-TS Hoàn, qua thăm khám, các bác sĩ cũng phát hiện có những bé gái mới 2-3 tuổi mà bầu ngực nhô cao hay bé trai 2 tuổi mặt đầy trứng cá, bộ phận sinh dục phát triển… “Trẻ có các biểu hiện “bất thường” này là do nội tiết từ mẹ truyền sang hoặc do u não gây sự tăng tiết một hoóc-môn ở vùng dưới đồi tuyến yên”- PGS-TS Hoàn giải thích.
Bác sĩ Hùng cảnh báo đối với những trẻ dậy thì sớm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Khi trẻ dậy thì, các bộ phận sinh dục sẽ phát triển và kéo theo nhu cầu về sinh lý. Nếu trẻ mắc chứng dậy thì sớm, sinh lý dễ bị kích thích mạnh mẽ trong khi tâm lý chưa hoàn thiện. Điều này dễ khiến trẻ tò mò, không kiểm soát được hành vi của mình. Hơn nữa, ở trẻ dậy thì sớm, trẻ sẽ lớn nhanh hơn so với các bạn cùng lứa nhưng chỉ sau vài năm các đầu xương “già” nhanh khiến trẻ không thể phát triển chiều cao. Nguyên nhân là do hoóc-môn sinh dục kích thích sự phát triển của xương khiến các đầu xương bị cốt hóa sớm, không còn sụn để xương tiếp tục “dài” ra và trẻ có thể không đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.
Cần sự hỗ trợ của bác sĩ Theo giới chuyên môn, dậy thì sớm được chia thành 2 loại: dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả. Biểu hiện của những trẻ dậy thì sớm giả là tuyến vú phát triển, dương vật phát triển, có lông mu nhưng không có kinh nguyệt, con trai không có tinh trùng. Những trường hợp dậy thì sớm thật ít gặp hơn, chủ yếu là những cháu bị do u não, tổn thương não, teo não, động kinh, u nang buồng trứng, u tuyến thượng thận... Bác sĩ Hùng lưu ý nguyên nhân của hiện tượng này có thể do trẻ em được ăn uống tốt hơn, tiếp xúc nhiều với phim ảnh, văn hóa phẩm có liên quan đến giới tính, làm não kích thích khởi động quá trình dậy thì. Ngoài ra, các loại thức ăn chứa hoóc-môn tăng trọng cũng có thể là yếu tố dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm. Do vậy, ngay khi thấy con có những biểu hiện dậy thì sớm, bố mẹ cần đưa đi khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn. Đặc biệt, khi con dậy thì sớm, bố mẹ cần chăm sóc, quan tâm tới con nhiều hơn, tránh tự ý cho con sử dụng các loại thuốc kích thích ăn uống, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc cũng như ăn quá nhiều thức ăn nhanh. |
Theo Bài và ảnh: Khánh Anh / Người Lao Động
>> Lập phác đồ điều trị cho trẻ dậy thì sớm
Bình luận (0)