Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng, bác sĩ ở TP.HCM dốc sức điều trị

Duy Tính
Duy Tính
15/06/2023 17:38 GMT+7

Lãnh đạo khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, hiện toàn khoa đã có 37 ca bệnh tay chân miệng nhưng đã có 11 ca phải nằm ở phòng bệnh nặng.

Nhiều bệnh nhi tay chân miệng nhập viện khi đã chuyển nặng

Sáng 15.6, chị Quỳnh (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đứng ở phòng cấp cứu Khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, để chăm sóc con gái mới 8 tháng tuổi mắc bệnh tay chân miệng.

Theo chị Quỳnh, thấy con ngủ cứ giật bắn người nên đưa đi khám bác sĩ ở địa phương, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng và cho về theo dõi. Vì lo lắng, chị đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 và được chẩn đoán tay chân miệng độ 2 (nặng). Sau 2 ngày, con gái chị rơi vào độ 3 nên chuyển vào phòng cấp cứu theo dõi đến nay.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng nằm kín phòng cấp cứu - Ảnh 1.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đang nằm phòng cấp cứu khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1

DUY TÍNH

Lãnh đạo khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, hiện toàn khoa đã có 37 ca bệnh tay chân miệng nhưng đã có 11 ca phải nằm ở phòng bệnh nặng. Có em phải chuyển xuống khu hồi sức tích cực, hồi sức nhiễm.  

Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thì 2/3 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện là ở tỉnh và đa số mới nhập vào khoa Nhiễm - thần kinh đều đã chuyển nặng.

Lo lắng nguy cơ dịch chồng dịch

PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết thêm, hiện khoa này có 4 ca tay chân miệng hồi sức tích cực đều thở máy, trong đó 1 ca lọc máu. Ngoài ra còn có 1 ca tay chân miệng nặng đang hồi sức tại khoa Hồi sức nhiễm.

"Hiện thuốc điều trị tay chân miệng ở các bệnh viện của TP.HCM vẫn đảm bảo. Nhưng bệnh tay chân miệng nặng nhiều nên rất lo, diễn tiến đến cuối tháng 6 bệnh này sẽ rộ vào đỉnh, sợ lúc đó sốt xuất huyết bùng phát, sang tháng 7 nguy cơ dịch chồng dịch", PGS-TS Phạm Văn Quang nói.

PGS-TS Phạm Văn Quang thông tin, ngày 16.6, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ tập huấn điều trị tay chân miệng cho các tỉnh phía nam, từ Đà Nẵng trở vào.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng nằm kín phòng cấp cứu - Ảnh 2.

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng

DUY TÍNH

Trước tình hình ca bệnh tay chân miệng nặng gia tăng, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ nguồn cung ứng thuốc điều trị. Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện các bệnh viện của TP.HCM dự trù thuốc là đủ cho TP.HCM, tuy nhiên khi các tỉnh chuyển lên nhiều thì nguy cơ hết thuốc sớm. Bộ Y tế sau đó trả lời tháng 7.2023 sẽ có thuốc.

Mặt khác, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai, giám sát các hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng trên toàn địa bàn. Các bệnh viện chuyên về nhi, bệnh nhiệt đới tập huấn điều trị cho tuyến dưới. Các cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Những triệu chứng cần lưu ý

"Chúng tôi muốn nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh cần chú ý là bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa, đặc biệt có sự xuất hiện của Entero vi rút 71 (EV71) là tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời", PGS-TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyến cáo.

PGS-TS Phạm Văn Quang cũng cảnh báo, đối với các bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, nhất là khi bệnh nhi có kèm dấu hiệu giật mình chới với. 

Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu này cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.