Đó là nhìn nhận của các nhà khoa học, nhà quản lý và nông dân tại diễn đàn “Giải pháp chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp” do Trung tâm khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Ngãi vừa tổ chức tại Quảng Ngãi.
Thu nhập 200 - 300 triệu đồng/HA
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2016 tại các tỉnh duyên hải nam Trung bộ và Tây nguyên chuyển đổi được hơn 24.800 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu các loại, trong đó các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ chuyển đổi 18.990 ha, Tây nguyên hơn 5.800 ha. Thực tế sản xuất, nhiều mô hình chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Cụ thể, tại xã Tây Giang, H.Tây Sơn (Bình Định), mô hình luân canh đậu phộng - dưa leo - khổ qua hoặc đậu phộng - 2 vụ hành lá - dưa leo cho giá trị thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha; tại tỉnh Đắk Lắk mô hình trồng bí đỏ cho doanh thu 60 triệu đồng/ha, tại một số xã của H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) mô hình trồng cây ớt đạt giá trị thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/ha, trồng bắp, đậu phộng từ 70 - 80 triệu đồng/ha...
Ông Trần Ngọc Thương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cho biết qua tính toán cho thấy lợi nhuận từ các cây trồng cạn so với cây lúa như sau: cây bắp tăng 1,7 lần, đậu các loại tăng 2,6 lần; đậu phộng tăng 2,8 lần; tỷ suất lợi nhuận thu được trên chi phí đầu tư cho 1 ha: cây lúa 37,5%, cây bắp 76,8%, đậu phộng 69,6% và cây đậu các loại 116,4%.
|
|
|
Lâu nay việc tiêu thụ nông sản do nông dân “tự bơi”. Khi giá nông sản lên nông dân đỡ khổ còn khi rớt thê thảm coi như lỗ nặng. Vì thế, nông dân rất mong có sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để yên tâm sản xuất
|
|
|
Ông Nguyễn Văn Tân,
nông dân ở H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi)
|
|
|
TS Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, cho rằng việc chuyển đổi cây trồng cạn không những cho hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa mà còn giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, đa dạng hóa sản phẩm, giảm nhập khẩu một số mặt hàng nông sản như bắp, đậu nành. “Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, khắp mọi nơi, nhất là các tỉnh vùng duyên hải nam Trung bộ. Do vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là yêu cầu cấp bách nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững”, TS Khởi nói và cho biết thêm: theo quyết định của Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2016 - 2020 vùng duyên hải nam Trung bộ tiếp tục chuyển đổi 56.000 ha đất lúa, trong đó vụ đông xuân 25.000 ha, vụ hè thu 29.000 ha, vụ mùa 2.000 ha với cây trồng chuyển đổi gồm bắp 17.000 ha, đậu phộng 19.000 ha, cây thức ăn chăn nuôi 7.000 ha, đậu nành 1.000 ha...
Nông dân mong muốn gì ?
Theo ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt), vùng duyên hải nam Trung bộ và Tây nguyên có nhiều tiềm năng trong chuyển đổi cây trồng cạn song để thực hiện được mục tiêu như quyết định của Bộ NN-PTNT là điều không hề dễ dàng. Bởi lẽ những trở ngại đang gặp phải là lâu nay nông dân quen trồng lúa nên không muốn thay đổi tập quán canh tác; chưa có quy hoạch tập trung cho các cây trồng cạn chủ lực gắn với xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu phù hợp; ứng dụng cơ giới hóa còn hạn chế từ khâu làm đất đến thu hoạch, phơi sấy do sản xuất còn manh mún, chưa hình thành vùng chuyên canh; nhiều địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi với những giải pháp đồng bộ về vụ, vùng chuyển đổi cây trồng và kỹ thuật, tổ chức sản xuất dẫn đến làm mô hình thì thành công nhưng chưa nhân được ra diện rộng.
“Riêng vấn đề thị trường, cơ quan chức năng thường hay khuyến cáo nông dân phải sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đây là một đòi hỏi quá lớn, bởi nông dân không thể nào biết được thị trường trong tỉnh hoặc trong huyện, chứ chưa nói đến trong nước”, ông Tùng nói.
Tại diễn đàn, nhiều nông dân các tỉnh duyên hải nam Trung bộ cho biết thời gian qua đầu ra của các loại nông sản rất bấp bênh, luôn gặp phải điệp khúc “được mùa, mất giá” khiến họ ngại chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Nguyễn Văn Tân, một nông dân ở H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), lo lắng: “Lâu nay việc tiêu thụ nông sản do nông dân “tự bơi”. Khi giá nông sản lên nông dân đỡ khổ còn khi rớt thê thảm coi như lỗ nặng. Vì thế, nông dân rất mong có sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để yên tâm sản xuất”.
Bên cạnh nỗi lo đầu ra của nông sản, nhiều nông dân còn kiến nghị cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, đồng thời phải có cơ chế, chính sách đầu tư khuyến khích đối với cây trồng cạn.
Tại diễn đàn, Cục Trồng trọt đã đưa ra một số giải pháp để chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu tại vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên. Trong đó, đáng lưu ý là đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ lãi suất vay thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho nông dân trong vùng quy hoạch chuyển đổi...
|
Bình luận (0)