TS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Y Dược TP.HCM, (với 100% SV có việc làm chỉ trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp cách đây 3 năm) cho biết: “Quả thực trường chưa có bộ phận chuyên trách để làm việc này. Năm nay, chúng tôi đang thành lập một nhóm do khoa Y tế công cộng chủ trì để thực hiện đề tài cấp Bộ nhằm điều tra, đánh giá về tỷ lệ SV có việc làm một cách toàn diện và chính xác”.
Khoảng 5 năm nay, trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng không thực hiện khảo sát. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Phó phòng đào tạo, chia sẻ: “Tôi nghĩ việc này rất quan trọng, nhưng lâu nay trường không triển khai nên không có ai thực hiện. Có thể do trường quá nhiều việc”.
Trong khi đó, một số trường đã đầu tư rất nghiêm túc cho việc này. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhiều năm nay đã thiết kế câu hỏi, lập phiếu phát cho SV vào các dịp tốt nghiệp. Khi nhận được kết quả từ SV thì trường gửi xuống các khoa để các khoa tự điều chỉnh theo phản hồi của SV. Phòng Công tác SV - Trung tâm hỗ trợ SV và quan hệ doanh nghiệp của trường ĐH Nông lâm TP.HCM vẫn có quá trình khảo sát mỗi khóa học rất công phu để có số liệu cụ thể về tỷ lệ SV có việc làm trong từng giai đoạn, nguyên nhân SV chưa tìm được việc làm... PGS-TSKH Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, khẳng định: “Khảo sát tỷ lệ SV có việc làm là một công việc quan trọng trong quá trình hoạt động của một đơn vị giáo dục ĐH, dù khối lượng công việc là khổng lồ và để thực hiện nó phải có thời gian và nhân lực. Nhiều năm nay, chúng tôi đã đầu tư riêng một bộ phận để theo dõi quá trình học tập và quá trình làm việc của SV sau khi ra trường”.
Mỹ Quyên
Bình luận (0)