Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ thành ĐH UEH
Tháng 5.2021, Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã thông qua Đề án tái cấu trúc trường ĐH này thành ĐH đa ngành. Trong đó, giai đoạn 1 (2021 - 2025) hình thành ĐH UEH đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, kinh doanh quản lý, khoa học xã hội và công nghệ trên cơ sở tái cấu trúc Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hiện nay, với 3 trường thành viên. Ở giai đoạn 2 (2026 - 2030), ĐH UEH hình thành thêm Trường Quốc tế và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường ĐH ở khu vực ĐBSCL.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đang thực hiện đề án trở thành ĐH UEH |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Từ cuối tháng 10.2021, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chính thức công bố thành lập 3 trường thành viên thuộc trường, gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH. Với việc ra mắt 3 trường này, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã bắt đầu mô hình trường trong trường ĐH và sau đó tiếp tục các công việc thực hiện đề án tái cấu trúc. Theo lộ trình, giai đoạn 2022 - 2025 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập ĐH UEH.
ĐH Cần Thơ sẽ có 4 trường thành viên
Tương tự, Trường ĐH Cần Thơ cũng có chủ trương phát triển thành ĐH gồm nhiều trường thành viên. Tháng 6.2021, Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết 34 phê duyệt chủ trương chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành ĐH Cần Thơ. Nghị quyết này giao hiệu trưởng xây dựng đề án và hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình các đơn vị chức năng có thẩm quyền quyết định. Nghị quyết này đã được Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ nhiệm kỳ 2020 - 2025, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 25.6.2021 và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Đầu tháng 7.2021, Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục có Nghị quyết 36 phê duyệt chủ trương thành lập 4 trường thuộc Trường ĐH Cần Thơ, gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở khoa kinh tế; Trường Bách khoa trên cơ sở khoa công nghệ; Trường Nông nghiệp trên cơ sở khoa nông nghiệp và Trường Công nghệ thông tin và truyền thông trên cơ sở khoa công nghệ thông tin và truyền thông. Nghị quyết giao hiệu trưởng xây dựng đề án thành lập 4 trường và trình hội đồng trường quyết định.
Sẽ có ĐH Nông Lâm TP.HCM và ĐH Sức khỏe
Chưa triển khai nhưng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng từng vạch ra chiến lược phát triển lâu dài theo mô hình một ĐH với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Công nghệ, Trường Kinh tế và phát triển, Trường Khoa học.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng trường ĐH này, cho biết đến thời điểm hiện tại trường vẫn có chủ trương phát triển theo định hướng chiến lược này. Hiện trường đã có những điều kiện cơ bản về sự đa dạng ngành nghề, quy mô đào tạo và số lượng chương trình đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, trường chưa bắt đầu việc xây dựng đề án do chưa thực hiện tự chủ và còn những khó khăn nhất định về cơ sở vật chất.
Trường ĐH Y Dược TP.HCM cũng từng có đề án gửi Bộ Y tế về việc phát triển thành một ĐH Sức khỏe với các trường thành viên.
Lộ trình của các trường phía bắc
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo có định hướng phát triển thành ĐH. Từ tháng 12.2021, Hội đồng trường Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường đầu tiên được thành lập trong Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000). Tuy nhiên, theo một cán bộ lãnh đạo của trường, lộ trình chuẩn bị các điều kiện để chuyển lên ĐH của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội được xác định là đến 2025, từ năm 2026 nếu thấy ổn thì mới tính đến việc trở thành ĐH.
GS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết trường này cũng đang có hướng phát triển trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. Quá trình này phụ thuộc vào việc xây dựng, phát triển các trường thuộc hoặc trực thuộc (theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP thì phải có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH). Trường này vốn có 2 lĩnh vực có bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu, là kinh tế - quản lý và quản trị kinh doanh. Hiện nay trường đã hình thành và thúc đẩy phát triển lĩnh vực thứ ba là đào tạo công nghệ trong quản lý. Khi đã đủ các điều kiện năng lực nội tại, để mỗi lĩnh vực này vươn lên thành những lĩnh vực đào tạo độc lập thì sẽ thành lập 3 trường, sau đó thì mới tính đến chuyện chuyển từ Trường ĐH Kinh tế quốc dân thành ĐH Kinh tế quốc dân.
Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chính thức công bố thành lập 3 trường thành viên thuộc trường, gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH |
đào ngọc thạch |
PGS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, chia sẻ chiến lược phát triển của nhà trường là theo hướng ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, và có lộ trình phát triển phù hợp với mục tiêu đặt ra trong chiến lược. Tuy trường chưa có kế hoạch thay đổi về mặt tổ chức, nhưng hiện trường đã đa dạng hóa ngành, lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. Hiện tại, trường đã đào tạo 3 lĩnh vực: ngôn ngữ, kinh tế - kinh doanh - tài chính, luật. Trong 5 năm tới, trường sẽ mở mới và tuyển sinh một số ngành trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, khoa học máy tính. Trường đang chuẩn bị nguồn lực cho hướng phát triển này. “Nhưng trong 1 - 2 năm sắp tới Trường ĐH Ngoại thương chưa tính mở trường trực thuộc, trường thành viên là bởi trường hướng tới phát triển bền vững, chỉ thành lập trường khi mà việc này là nhu cầu tự thân phát triển của các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu đó”, PGS Hương nói.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo đó, dù từ trường ĐH lên ĐH thì ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ GD-ĐT. ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của luật Giáo dục ĐH năm 2012 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018 (thường được gọi là luật 34) cùng quy định pháp luật có liên quan. Đây là trường ĐH đầu tiên chuyển từ trường ĐH lên ĐH sau khi luật 34 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật 34 có hiệu lực thi hành.
Bình luận (0)