Nhiều vướng mắc vay vốn ưu đãi phát triển thủy sản

23/09/2014 10:10 GMT+7

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu, vừa có chuyến khảo sát, làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về một số vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế thủy sản.

Nhiều vướng mắc vay vốn ưu đãi phát triển thủy sản
Theo Bộ NN-PTNT, thời gian tới khu neo trú tàu thuyền trên đảo Lý Sơn sẽ được đầu tư nâng cấp thành khu neo trú cấp vùng - Ảnh: Hiển Cừ

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ số lượng đóng mới 189 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần cho các địa phương. Theo tính toán, tổng vốn đầu tư đóng mới 189 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần (72 tàu vỏ gỗ và 117 tàu vỏ thép) giai đoạn 2014-2016 là hơn 1.600 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay ngân hàng hơn 1.400 tỉ đồng, ngư dân đầu tư khoảng 200 tỉ đồng. Riêng trong năm 2014, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu hoàn thành đóng mới khoảng 20 tàu.

Ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cho biết trong quá trình thực hiện Nghị định 67 nảy sinh nhiều vướng mắc cần phải nhanh chóng tháo gỡ. Cụ thể, hiện nay giữa các ngân hàng thương mại đang có quy định khác nhau về điều kiện cho vay, trong đó có điều kiện “có khả năng tài chính” đối với chủ tàu. Việc này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và kết quả thực hiện chính sách tín dụng của Nghị định 67.

Về vấn đề này, ông Đoàn Hà Yên, Phó chủ tịch UBND H.Bình Sơn, cho rằng nhiều chủ tàu cá có trong tay 2-3 tàu đánh bắt xa bờ nhưng họ không đi biển mà chỉ thuê, trả công cho thuyền trưởng và ngư dân ra khơi đánh bắt, hoặc một nhóm ngư dân hùn vốn đóng tàu cùng đi. “Những ngư dân đi bạn (làm thuê) là những người trực tiếp lập phương án đánh bắt trên biển song trên thực tế cuộc sống của họ cũng chỉ đắp đổi qua ngày, gia sản duy nhất là ngôi nhà. Giờ muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu nhưng buộc phải “có khả năng tài chính” thì họ khó lòng đáp ứng được”, ông Yên nói.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị: quy định về điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại cần thống nhất để dễ thực hiện, đồng thời xác định rõ “khả năng tài chính” của chủ tàu phải đảm bảo ở mức nào trong chính sách này.

Ông Phan Huy Hoàng cho biết thêm, một vướng mắc nữa là Thông tư 115/2014/TT-BTC ngày 20.8.2014 của Bộ Tài chính quy định về hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên: yêu cầu thuyền viên đã thực hiện đăng ký thuyền viên và được cơ quan có thẩm quyền cấp sổ danh bạ thuyền viên theo quy định pháp luật là không phù hợp với thực tế và không phù hợp với Thông tư 24/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT. Do vậy, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bỏ yêu cầu này, vì 100% thuyền viên làm việc trên tàu cá không có chứng chỉ thuyền viên, đồng thời việc bảo hiểm tàu và bảo hiểm thuyền viên chỉ quy định có xác nhận của UBND cấp xã về đối tượng được hỗ trợ, không quy định việc thẩm định của UBND cấp huyện và phê duyệt của UBND cấp tỉnh như Nghị định 67, bởi đối tượng hưởng chính sách bảo hiểm lên đến hàng vạn người và hàng ngàn tàu cá.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu nêu ý kiến lo lắng của ngư dân khi tham gia chính sách tín dụng để đóng mới tàu cá thì ngân hàng yêu cầu bắt buộc phải trang bị máy mới mới được cho vay. Ngoài ra, từng thiết kế mẫu tàu phải có dự toán cụ thể, có cơ quan đứng ra giúp ngư dân giám sát chất lượng.

Cũng tại buổi làm việc, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau 4 năm thực hiện Quyết định 48 của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản tại các vùng biển xa đã góp phần rất lớn đến việc phát triển kinh tế biển, giúp ngư dân an tâm đưa tàu ra khơi đánh bắt. Đối với chính sách này, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị nâng mức hỗ trợ chi phí nhiên liệu từ 4 chuyến/tàu/năm lên 6 chuyến/tàu/năm đối với các tàu cá tham gia khai thác ngư trường vùng biển Hoàng Sa, khi bị nước ngoài thu giữ trái phép máy HF thì được hỗ trợ trang bị lại máy, tàu cá đang tham gia khai thác ở vùng biển xa chưa đủ thời gian quy định của chuyến biển là 15 ngày nếu bị nước ngoài tấn công, lấy ngư lưới cụ không thể tiếp tục đánh bắt được mà phải quay vào bờ thì vẫn được hỗ trợ chi phí nhiên liệu theo quy định...

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, đối với những vướng mắc mà tỉnh Quảng Ngãi đưa ra, Bộ NN-PTNT sẽ sớm làm việc với Ngân hàng Nhà nước VN, Bộ Tài chính để có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn. Ông Tám cũng cho biết, quan điểm của Bộ NN-PTNT là đã đóng mới tàu cá thì không có lý gì lại lắp máy cũ vào. “Mặc dù Nghị định 67 không hướng dẫn, nhưng cần phải hiểu rằng đóng mới vỏ tàu thì phải trang bị mới ngư lưới cụ mới hiệu quả và an toàn”, ông Tám giải thích.

Đối với thiết kế mẫu tàu, ông Tám cho biết cuối tháng 9.2014, Bộ NN-PTNT sẽ ban hành 21 mẫu tàu với 5 nhóm ngành nghề, trong đó chủ yếu là tàu vỏ thép cho ngư dân lựa chọn. Đồng thời ngư dân hoàn toàn có quyền lựa chọn những cơ sở đóng tàu cá đã được Bộ NN-PTNT công bố đủ điều kiện.

Ông Tám lưu ý với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện hiện tượng “cò” vay vốn ưu đãi. “Tình trạng này không nên xem thường, không chỉ riêng tỉnh Quảng Ngãi mà các tỉnh khác cần phải phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời”, ông Tám nhấn mạnh.

Hiển Cừ

>> BIDV dành 15.000 tỉ đồng cho vay phát triển thủy sản
>> Cấp bù lãi suất thực hiện chính sách phát triển thủy sản
>> Ngư dân được vay vốn đóng tàu lãi suất 1 - 3%/năm từ 25.8

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.