Nhiều ý kiến về việc dạy và học ngoại ngữ thứ nhất

27/09/2016 09:01 GMT+7

Đồng ý nên có nhiều ngoại ngữ của các nước lớn để học sinh lựa chọn, nhưng các chuyên gia cũng đặt ra nhiều vấn đề mà Bộ GD-ĐT phải thực hiện nếu muốn đưa một ngôn ngữ nào đó thành ngoại ngữ thứ nhất.

Trước hết phải có giáo viên giỏi
Đề án dạy ngoại ngữ vừa qua chủ yếu là đầu tư cho tiếng Anh, đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng hiệu quả thì rất kém, nguyên nhân chủ yếu vẫn là thiếu giáo viên (GV) giỏi. Sắp tới đưa tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật… vào giảng dạy thì trước hết phải có đội ngũ giỏi. Phải dành ít nhất 3 - 5 năm để chuẩn bị, đặc biệt về đội ngũ để có thể thí điểm đã là khó rồi. Phải khảo sát nhu cầu của người học, của thị trường lao động. Đối với tiếng Nga, lĩnh vực về dầu khí, về du lịch… rõ ràng rất cần người thông thạo tiếng Nga. Một nhà nước văn minh phải có chính sách về ngôn ngữ, để mình luôn sẵn sàng có những cán bộ về những thứ tiếng lớn trên thế giới. Nhu cầu của người học dù rất nhỏ thôi nhưng cần phải có và khi đã thực hiện thì phải thực hiện có chất lượng, hiệu quả thực sự chứ không phải chỉ đưa vào cho có tên gọi.
Vũ Thế Khôi
(nguyên Trưởng khoa tiếng Nga, Trường ĐH Hà Nội)

tin liên quan

Tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất?
Dư luận hết sức quan tâm khi giai đoạn tiếp theo của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đưa thêm một số ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nga, Trung là ngoại ngữ thứ nhất.

Nền giáo dục tốt phải đáp ứng nhu cầu đa dạng
Ước tính hiện nay nhu cầu học tiếng Anh của thế hệ trẻ VN chiếm khoảng 98%. Điều đó cho thấy có 2% còn lại muốn học các ngoại ngữ khác. Một nền giáo dục tốt phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, trong đó có nhu cầu học các ngoại ngữ khác nhau. Do nhu cầu tiếng Anh quá cấp thiết nên thời gian vừa qua mới tập trung giải quyết cho ngoại ngữ này. Nay theo kế hoạch, ta phải chú trọng đến các ngoại ngữ khác nữa. Giáo dục nói chung hay giáo dục ngoại ngữ nói riêng không những mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại các lợi ích phi kinh tế, lợi ích cấp độ xã hội.
GS Nguyễn Lộc
(nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN)
Kéo dài thời gian thực hiện đề án đến 2025
Theo ông Nguyễn Lộc, có một điều chỉnh hết sức quan trọng trong đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 là kéo dài thời gian thực hiện đến 2025. Điều chỉnh này nhằm khắc phục sự chậm trễ trong việc khởi đầu đề án cũng như những khó khăn khác.
Khó đáp ứng nếu triển khai diện rộng
Để giảng dạy một ngoại ngữ thứ nhất trong trường phổ thông cần có đội ngũ GV chuẩn, có khả năng thực hành ngôn ngữ chứ không phải chỉ đọc viết. GV phổ thông tiếng Trung hiện nay chưa đáp ứng được nếu triển khai trên diện rộng. Nếu đội ngũ GV không đảm bảo sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội, đặc biệt là người học. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc đưa tiếng Trung trở thành ngoại ngữ thứ nhất ở diện rộng rất khó làm. Nên chăng chỉ áp dụng ở những nơi có điều kiện thuận lợi với nhiều người Hoa sinh sống. Việc đưa ra những chỉ tiêu đạt chuẩn quốc tế cũng phải xem xét lại, nếu chỉ đào tạo một số năm mà đưa ra chuẩn quá cao thì sẽ khó đạt được.
PGS-TS Nguyễn Đình Phức
(Trưởng khoa Ngữ văn Trung Quốc, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Chỉ nên thí điểm nơi có nhu cầu và điều kiện
Nhiều năm nay Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vẫn đang đào tạo ngành tiếng Nga. Mỗi tháng đều có doanh nghiệp đến xin tuyển dụng sinh viên. Tuy nhiên, vấn đề bất cập với đầu ra ở sinh viên sư phạm ngành này là hiện không có trường phổ thông dạy tiếng Nga, các trung tâm ngoại ngữ hầu hết đều không mở lớp dạy thứ tiếng này. Nhưng để có GV dạy tiếng Nga ở trường phổ thông thì phải có thời gian đào tạo lại vì dù được đào tạo bài bản nhưng không có môi trường sử dụng thường xuyên ngôn ngữ đó sẽ dần bị mai một. Chỉ nên bắt đầu thí điểm ở những nơi có điều kiện và nhu cầu học. Nhà nước cần phải đầu tư cơ sở vật chất, giảng viên cho các trường ĐH có giảng dạy các ngoại ngữ này, đặc biệt là đào tạo sư phạm. Ngoài ra, việc dạy học cần có sự chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất, đội ngũ đến giáo trình.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng
(Trưởng khoa tiếng Nga, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Cần nghiên cứu, lựa chọn chính xác, phù hợp
Việc đưa thêm các ngoại ngữ vào giảng dạy chính thống trong nhà trường là một chủ trương tốt giúp phụ huynh, học sinh có đa dạng sự lựa chọn. Bộ cần nghiên cứu, khảo sát sự phát triển của kinh tế - xã hội để có sự lựa chọn chính xác và phù hợp. Chẳng hạn, hiện nay việc quan hệ kinh tế, xã hội với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng phát triển nên 2 ngôn ngữ này cũng cần lưu ý.
Là địa bàn có nhiều người Hoa sinh sống nên khoảng 10 năm nay, Q.6 (TP.HCM) được chọn mở các lớp tiếng Hoa trong nhà trường trên cơ sở phụ huynh, học sinh tự nguyện lựa chọn, nhưng số lượng học sinh đăng ký học ngoại ngữ này ngày càng giảm, phần lớn đều đăng ký học tiếng Anh.
Lưu Hồng Uyên
(Trưởng phòng GD Q.6, TP.HCM)
E ngại kinh phí
Việc đưa tiếng Trung và tiếng Nga vào giảng dạy trong trường phổ thông tạo cho học sinh có nhiều lựa chọn là phù hợp với xu thế. Tuy nhiên khi trở thành ngoại ngữ chính thức thì Bộ phải xây dựng chương trình, sách giáo khoa, đào tạo GV. Điều này sẽ tốn rất nhiều tiền trong khi thực tế hiện nay rất ít học sinh lựa chọn và chủ yếu là người Hoa. Tiếng Anh dù có nhiều người lựa chọn như vậy mà từ đào tạo cho đến chương trình... vẫn còn nhiều ngổn ngang.
Cao Huy Thảo
(nguyên Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Úc TP.HCM (SIC)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.