Nhiều ý mở nhưng còn chủ quan

12/07/2014 02:24 GMT+7

Theo các giáo viên thường tham gia chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ, đáp án - hướng dẫn chấm thi năm nay của Bộ GD-ĐT nhìn chung khá mở nhưng còn chủ quan.

Theo bà Huỳnh Thủy Thùy Lan, Tổ trưởng Tổ địa Trường THPT An Lạc, TP.HCM, đáp án chính thức của Bộ về môn địa nhìn chung rõ ràng, bám sát kiến thức trong chương trình học. Trong đáp án này có nhiều ý mở nhưng chưa thực sự phong phú. Với những phần mở này, TS có thể nói thêm ý từ bên ngoài, ý này đảm bảo độ chính xác vẫn sẽ được tính điểm. Chẳng hạn, mục a ý 2 của câu I, lý do khác của tình trạng thiếu việc làm ở Việt Nam hiện nay vẫn còn diễn ra gay gắt, đáp án chỉ nêu 2 ý là trình độ người lao động còn hạn chế và việc đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, nếu TS dẫn lý do tính kỷ luật lao động chưa cao thì vẫn nên được tính 0,25 điểm. Tuy nhiên, theo bà Lan, kinh nghiệm chấm thi nhiều năm cho thấy nếu TS nêu thêm ý khác ngoài đáp án mà vẫn đúng với yêu cầu đề thi, Bộ vẫn có hướng dẫn tính điểm cho học sinh.

Bà Thùy Lan nhấn mạnh riêng mục b trong ý 1 câu III về du lịch biển, đáp án quá chung chung khi chỉ nêu “hình thành các trung tâm du lịch có sức hấp dẫn đối với du khách”. Vì vậy, Bộ nên thêm vào đây một ý mở để TS có thể trình bày thêm ý khác rất sát với thực tế và đúng yêu cầu đề thi. Chẳng hạn phát triển du lịch biển gắn với đảo, hàng loạt hoạt động du lịch nghỉ dưỡng và thể thao…

Còn ông Cao Văn Thức, giáo viên lịch sử Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM, cho rằng đáp án môn sử cơ bản bám sát chương trình nhưng vẫn chủ quan vì chỉ là ý kiến của một nhóm người. Trường hợp TS có cách diễn đạt khác, nội dung không sai và đúng yêu cầu câu hỏi đặt ra vẫn phải được hưởng điểm tuyệt đối. Theo ông Thức, hướng dẫn chấm thi của Bộ cần linh hoạt tạo cơ sở để cán bộ chấm thi có thể mạnh dạn chấm bài theo hướng mở, đảm bảo có điểm với TS có cách làm bài sáng tạo.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, giáo viên văn Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM, đáp án môn văn khá mở và phát huy được tính sáng tạo của TS. Chẳng hạn, đề thi văn các năm trước thường có câu phân tích thì nay là cảm nhận, giúp TS không bị bó buộc trong một khuôn khổ có sẵn. Thay vì phân tích hình tượng, tính cách nhân vật, hình ảnh… nghĩa là cần phải làm theo ba rem có sẵn, đáp án năm nay gợi ra những ý cụ thể, từ đó tạo hướng mở cho TS làm bài.

Ngoài ra, đáp án câu nghị luận xã hội nêu rõ: “TS có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lý lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ chủ kiến của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội”. Đây là điểm chứng tỏ việc “mở” của đề thi.

Phát sinh từ đáp án môn văn khối D

Theo một số giáo viên môn văn, đề thi môn văn khối C và D đều tương đồng nhau về cách hỏi. Tuy nhiên, câu 3 của hai đề lại có sự lệch nhau.

Cụ thể, đề văn khối C đưa ra hai ý kiến khác nhau đề cập đến vẻ đẹp của sông Hương: cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ và trầm tích văn hóa, lịch sử. Theo đáp án, TS cảm nhận cả hai ý kiến này và cảm nhận nghệ thuật là có thể đạt điểm tối đa.

Cũng với cách ra đề như vậy nhưng đề thi văn khối D lại phát sinh một điểm có thể khiến TS mâu thuẫn. Đề thi đề nghị TS cảm nhận hai mẫu hình tượng của Lor-ca: nghệ sĩ - chiến sĩ và nghệ sĩ thuần túy. Điều đặt ra ở đây là TS có thể hiểu mẫu nghệ sĩ - chiến sĩ đã bao gồm cả nghệ sĩ thuần túy và chiến sĩ. Thêm vào đó, trong phần “cảm nhận về hình tượng Lor-ca”, đáp án chỉ nêu “Nội dung hình tượng: chân dung người nghệ sĩ tài hoa, lãng tử, đơn độc; số phận oan khuất, bi thảm; sự bất tử của Lor-ca cùng nghệ thuật của ông”. Vì vậy, sẽ có nhiều TS chỉ chọn một mẫu hình tượng là nghệ sĩ - chiến sĩ để cảm nhận và cho rằng ý kiến còn lại mâu thuẫn và sai so với tác phẩm. Như vậy, nếu TS làm bài như cách trên, có được điểm tối đa hay không? Bộ cần phải trả lời được câu hỏi này để cán bộ chấm thi có sự rõ ràng và nhất quán.

Hà Ánh - Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.