Đấy là một trong những nhóm dự án khởi nghiệp đã góp mặt tại Chợ phiên khởi nghiệp lần 1 do Saigon Innovation Hub (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức vào ngày 22.9.
Mang mảng xanh về cho thành phố
Tại gian hàng về thực phẩm sạch, chúng tôi được nghe câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ đến từ các chuyên ngành khác nhau và không liên quan gì đến nông nghiệp hay thực phẩm.
“Nhóm có 5 thành viên, 3 thành viên thì học về quản trị kinh doanh, 1 bạn học thiết kế đồ họa, còn em thì đang theo học ngành tâm lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhưng tụi em có chung niềm đam mê nên đã tìm đến nhau và cùng nhau khởi nghiệp”, Trần Tú Thanh (thành viên nhóm) chia sẻ.
|
Các bạn đã thành lập nên dự án Olife Việt Nam, nơi cung cấp thực phẩm sạch và các giải pháp, mô hình canh tác thực phẩm sạch cho “nông dân thành thị” như trồng rau không cần đất, trồng rau theo hình thức khí canh,.... “Đi kèm với quá trình đô thị hóa là diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm dần đi, các hộ gia đình ở thành thị không còn không gian để tự trồng thực phẩm sạch cho mình. Chính vì thế, ngoài cung cấp thực phẩm sạch, tụi em còn mong muốn mỗi hộ gia đình sẽ tự phủ xanh không gian của mình, tự tạo nên những nguồn thực phẩm sạch cho chính gia đình. Vì thế mà Olife của tụi em ra đời”, Cao Thị Thu Hương (thành viên nhóm) nói.
Hương cũng phân tích thêm: “Dự án của tụi em lấy “nông nghiệp đô thị” làm trọng tâm, lấy giải pháp “nông trại đến cửa” để giảm bớt phụ thuộc vào kênh phân phối, lấy “cuộc cách mạng một cọng rơm” để thuận theo tự nhiên từ đó quay trở về với tự nhiên để tìm thấy sự bình yên, sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người, cũng như tìm lại những mảng xanh cho thành phố”.
|
Nhưng vì còn là sinh viên, lại đang theo học những chuyên ngành không liên quan đến nông nghiệp, nên quá trình khởi nghiệp của các bạn cũng gặp nhiều khó khăn.
“Để có được sản phẩm ra thị trường, để dự án được như ngày hôm nay thì nhóm em đã phải tự mày mò học hỏi, rồi ngày đêm không ngừng nghiên cứu và nỗ lực. Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là tài chính, sinh viên tụi em đâu có nguồn vốn gì nhiều, chỉ biết tích góp mỗi người một ít, rồi nhịn ăn, nhịn các chi tiêu không cần thiết để có tiền khởi nghiệp. Nhưng chỉ cần có đam mê thì khó khăn nào rồi tụi em cũng sẽ vượt qua được”, Tú Thanh bày tỏ.
Từ chối sử dụng túi nilon
Hai bạn trẻ là Phúc Thị Trường Tiên và Nguyễn Đức Trọng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã mang đến phiên chợ dự án khởi nghiệp Upecka Home thân thiện với môi trường.
Trăn trở với vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng báo động như hiện nay, muốn tìm một giải pháp để giảm thiểu việc sử dụng đồ dùng nhựa và túi nilonnên Tiên và Trọng đã cùng nhau thiết kế những loại túi vải thân thiện với môi trường và túi tái sử dụng nhiều lần để thay thế túi nilon sử dụng một lần.
|
“Hiện nay túi nilon sử dụng một lần được xài vô tội vạ, mỗi một ngày, một người chúng ta xài không biết bao nhiêu chiếc túi nilon và sau đó vứt ra ngoài môi trường. Tụi em đã dùng chất liệu vải Polyester để chế tạo ra những chiếc túi tiện dụng và tái sử dụng ít nhất 18 – 24 tháng. Với chiếc túi này, mỗi ngày mọi người chỉ cần móc nó vào giỏ xách, vào balo của mình, và đến bất cứ đâu, nếu muốn mua cái gì thì chỉ cần lấy túi ra sử dụng là chúng ta đã từ chối rất nhiều túi nilon của ngày hôm đó. Một năm, trung bình mỗi người có thể từ chối được 2 kg túi nilon nếu sử dụng chiếc túi tái sử dụng này”, Tiên giải thich cặn kẻ.
|
Điều đặc biệt nhất của sản phẩm túi tái sử dụng này là thiết kế rất nhỏ gọn, xinh xắn và tiện dụng. Chiếc túi sẽ được dồn gọn vào túi nhỏ nhưng kích thước đủ để thay thế cho túi nilon thông dụng, để người sử dụng có thể bỏ vào túi áo, quần hay treo trên xe, móc khóa, balo,…
“Với sự tiện dụng này, tụi mình chỉ mong muốn mọi người sẽ dễ dàng nói không với những chiếc túi nilon sử dụng một lần. Mong mọi người hãy tham gia cùng tụi mình để chúng ta cùng từ chối sử dụng túi nilon”, Tiên gửi gắm.
Phiên chợ độc đáo Chợ phiên khởi nghiệp lần 1 thu hút hơn 100 đơn vị gồm doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước, trường, viện và các tổ chức khoa học công nghệ,… tham gia giới thiệu và bày bán sản phẩm. Điểm khác biệt của Chợ phiên là bên cạnh các gian hàng riêng lẻ, các dự án còn được phân bố theo nhóm với các tên gọi độc đáo như Làng Hàn Quốc (các sản phẩm khởi nghiệp của doanh nghiệp Hàn Quốc), Làng giáo dục sáng tạo, Làng Mekong (các sản phẩm từ ĐBSCL), Làng Đại học, Làng Speedup,… Bên cạnh đó, chợ phiên còn có các hội thảo chuyên đề nhằm cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp. Một phiên Đấu Xảo được tổ chức với mục đích để các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu sản phẩm của mình đến khách hàng và nhà đầu tư, từ đó xúc tiến việc mua bán, tìm kiếm hợp tác và kêu gọi đầu tư sản phẩm.
|
Bình luận (0)