Nhìn bằng tai

03/09/2013 03:00 GMT+7

Người mù được biết đến với khả năng định vị bằng tiếng vang để “nhìn” môi trường xung quanh, và nghiên cứu mới cho thấy người mắt sáng vẫn có thể học được chiêu này.

Người mù được biết đến với khả năng định vị bằng tiếng vang để “nhìn” môi trường xung quanh, và nghiên cứu mới cho thấy người mắt sáng vẫn có thể học được chiêu này.

Khi một con dơi bay trong không khí, nó nhanh chóng phát ra một loạt những tiếng lách tách ở âm độ cao, với tốc độ có thể lên đến 200 tiếng/giây và ở tần số vượt hẳn khả năng nghe ở người. Tất nhiên, dơi chẳng gặp vấn đề gì khi nghe những tiếng động đó, và phân tích cách thức âm thanh nảy lên khi va vào các vật thể xung quanh trước khi quay về tai chúng. Bằng cách theo dõi những tín hiệu về âm lượng, hướng phát ra và tốc độ dựa trên tiếng vang, dơi có thể nhìn thấy rõ ràng mọi vật trong môi trường tối đen như mực.

Trong những năm gần đây, ngày càng có thêm nhiều chứng cứ xác nhận rằng con người, cả khiếm thị lẫn mắt sáng, đều có khả năng làm điều tương tự. Không giống như dơi hoặc cá heo, cá voi và một vài loài khác, việc “nhìn” bằng tai không phải là khả năng bẩm sinh. Một số cuộc nghiên cứu cho thấy vẫn có người học được cách định vị bằng âm thanh. Nhiều đối tượng trong các cuộc nghiên cứu này là người khiếm thị, cần thiết phát triển khả năng đó để thay thế cặp mắt hỏng vì nhiều lý do, và hiện tượng này từng được biết đến từ thế kỷ thứ 18. Trường hợp nổi tiếng nhất là ông Daniel Kish, sinh năm 1966 tại California (Mỹ), người mất thị lực khi mới khoảng 1 tuổi nhưng gây tiếng vang trên toàn thế giới do leo núi, chạy xe đạp và sống một mình nơi hoang dã. Kish, có biệt danh là “người dơi sống”, đủ sức thực hiện mọi thách thức đó nhờ vào khả năng phi thường là “thấy” được bằng hoạt động định vị tiếng vang. Để làm được điều này, ông Kish đã tạo ra tiếng động bằng cách bật đầu lưỡi vào vòm họng, và việc tập luyện sẽ giúp hoạt động tắc lưỡi dễ dàng hơn theo thời gian. Dù vậy, hiện tượng trên lại ít được nghiên cứu kỹ càng ở người mắt sáng.

Nhìn bằng tai
Người sáng mắt vẫn có thể tập nghe như “hiệp sĩ mù” - Ảnh: Shutterstock

Trong báo cáo mới được đăng trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B, các nhà sinh vật học thuộc Đại học Ludwig Maximulian Munich (LMU - Đức) đã tập trung nghiên cứu sự triệt tiêu tiếng vang ở người, một hiện tượng não người khử những âm thanh của tiếng vang để âm thanh nguyên thủy có thể được nghe rõ ràng hơn. Theo đó, những người tham gia với thị lực bình thường đã được yêu cầu đeo bộ tai nghe kèm microphone. Trong cuộc thí nghiệm “nghe”, họ nghe âm thanh cùng tiếng vang, và phải phân biệt được vị trí của các nguồn âm thanh. Trong phần “định vị bằng tiếng vang”, họ được yêu cầu tạo âm thanh, dùng miệng hoặc lưỡi. Một bộ xử lý máy tính tái tạo lại tiếng vang của những âm thanh này khi chạm vào bề mặt phản xạ, và phát lại thông qua tai nghe. Kết quả cho thấy trong cuộc thí nghiệm “nghe”, khả năng nhận thức âm thanh chính khiến tiếng vang bị não triệt tiêu, nhưng ở lần sau, cả âm thanh gốc lẫn tiếng vang đều được nhận thức tương đương nhau, cho thấy sự khử tiếng vang đã bị vô hiệu hóa trong quá trình định vị âm thanh thường bị não liệt vào dạng gây nhiễu.

Vậy nếu con người có thể định vị bằng tiếng vang, tại sao chúng ta không sử dụng khả năng đó trong mọi tình huống? “Trừ phi bạn chạy loạn lên trong môi trường đen như mực, hoặc bị bịt mắt, việc định vị bằng tiếng vang thật sự chẳng mấy khi cần thiết”, theo nhà thần kinh học Lore Thaler thuộc Đại học Durham (Anh). Do vậy, cũng dễ hiểu tại sao kỹ năng này hỗ trợ tốt trong trường hợp người mù, dù người sáng mắt vẫn có thể học được cách định vị bằng tiếng vang.

Phi Yến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.