Nhìn hàng ngoại, tiếc cho hàng nội

Nguyên Nga
Nguyên Nga
09/04/2022 07:00 GMT+7

Đó là nhận xét của không ít chị em phụ nữ đã từng mua đồ thun, jean, đầm… từ những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài tại Việt Nam.

Đắt, không “xắt” ra miếng

Chị H.N (Q.11, TP.HCM) bức xúc kể, chị mua cho con trai 10 tuổi của mình 2 chiếc áo thun màu xanh lá hiệu G. giá 450.000 đồng/chiếc, 1 áo sơ mi tay dài ca rô đỏ giá 650.000 đồng, nhưng sau lần giặt đầu tiên, cả 2 chiếc áo thun nhàu nhĩ như là áo đã mặc cả chục lần. “Tôi cũng biết là đồ thun của G. dạo sau này mỏng, nhão, nhưng áo thun cho trẻ em mặc thường với giá 450.000 đồng thì không phải hàng “thải, loại”, chất lượng như vậy thì quả đáng chán, thua rất xa hàng tôi từng mua cho con tại trung tâm Taka (TP.HCM), giá 130.000 đồng/áo, hàng nhập khẩu từ Campuchia, mặc hết năm cổ áo vẫn chưa nhão. May cho tôi là không nghe lời cậu nhân viên bán hàng tư vấn mua 4 món để được giảm 20%”, chị N. kể.

Cùng chung tâm trạng, chị N.K (Q.4, TP.HCM) cho biết cuối tuần qua chị đưa con đến một trung tâm thương mại lớn tại Q.1 để mua sắm. Vào cửa hàng H., G. rộng lớn, đi từ đầu đến cuối cửa hàng, lên cả tầng trên, nhưng cuối cùng chị không chọn được món hàng nào. “Chưa bàn về giá cả, chất lượng của nhiều sản phẩm trong các cửa hàng thời trang ngoại này rất đáng bàn. Vải thưa, nhàu nhĩ, hàng đổ đống trông rất phản cảm. Nếu so với một số thương hiệu thời trang dành cho giới trẻ, hàng trong nước có chất lượng hơn hẳn. Giá bán của các nhãn hàng ngoại này cũng cao gấp đôi, gấp 3 lần hàng nội. Vậy mà không hiểu sao khách đông thế trong khi hàng may mặc trong nước lại rất khó sống”.

Trưa 8.4, tại cửa hàng thời trang Z. trong Trung tâm thương mại Vincom (Q.1, TP.HCM), chị Thanh Hà, nhân viên marketing một công ty nước ngoài, có trụ sở đặt cùng tòa nhà này, đang ướm thử chiếc áo đầm hồng dài của nhãn hàng này lên người. Xem giá xong, chị treo áo lên lại vị trí cũ, nhận xét: “Một nửa giá này mới hợp lý vì mẫu mã, chất liệu không có gì đặc biệt ”. Chiếc áo đầm hồng trị giá 1,499 triệu đồng, theo chị Hà là cùng chất liệu, hàng xuất khẩu bán trong nước giá chỉ khoảng 400.000 đồng. Nếu có thương hiệu rõ ràng, giá 700.000 - 800.000 đồng. Tại đây, giá quần jeans trắng suông giá 1,3 triệu đồng; đầm vintage không nằm trong nhóm hàng mới giá 2 triệu đồng/chiếc.

Nếu so với một số thương hiệu thời trang dành cho giới trẻ, hàng trong nước có chất lượng hơn hẳn. Vậy mà không hiểu sao khách đông thế trong khi hàng may mặc trong nước lại rất khó sống

Chị N.K (Q.4, TP.HCM)

Đa số những người đã từng mua những hàng hiệu phân khúc trung bình này đều có chung nhận xét: Chất lượng và giá cả hàng hóa không đi đôi với nhau. Chị H.N nhận xét: “Một chiếc áo sơ mi cho bé trai có giá 650.000 đồng, chiếc đầm jean cho bé gái hơn 1,1 triệu đồng là mức giá không thấp so với mặt bằng thu nhập chung của người TP”. Thế nhưng, với ưu điểm là mẫu mã mới liên tục, thương hiệu nổi tiếng..., khách đến mua vẫn rất đông.

Phân khúc trung bình, giá cao

Khảo sát của chúng tôi tại một số cửa hàng thời trang, các thương hiệu nước ngoài thuộc phân khúc trung bình tại TP.HCM nhưng giá thì không “trung bình” chút nào, thậm chí quá cao so với mặt bằng giá tiêu dùng chung của giới trẻ. Với thương hiệu G., quần jeans nam loại thường giá 1,650 triệu đồng, áo thun nam 650.000 đồng, áo sơ mi 1,1 triệu đồng. Chiếc đầm ngủ của nữ loại thun mỏng đủ màu sắc giá 900.000 đồng/chiếc; đầm hoa ngủ 2 dây của nữ giá lên đến... 795.000 đồng/chiếc, đầm jean mỏng cho trẻ 4 tuổi, hàng mới về giá lên đến 1,150 triệu đồng. Cạnh cửa hàng G., thương hiệu thời trang O. cũng có giá cao không kém. Áo thun mỏng 395.000 đồng, quần jeans 1,1 triệu đồng.

Các hãng thời trang ngoại làm truyền thông thị trường tốt, hút khách trẻ đến bất kể sản phẩm giá cao

Nguyên Nga

Ở tầng trên tòa nhà này, 2 nhãn hàng thời trang lớn cũng đến từ châu Âu đúng giờ trưa, rất đông khách vào mua hàng, trong đó có nhiều người nước ngoài. Chiếc áo đầm sơ mi kẻ sọc nhăn nhúm giá 900.000 đồng, quần tây công sở 700.000 đồng, hàng “đổ đống” có những áo croptop giá 300.000 đồng/chiếc, chùm 10 sợi dây thun buộc tóc giá từ 79.000 - 99.000 đồng/chùm.

Thời trang nội địa nay được nhiều bạn trẻ chú ý, đó là lợi thế. Không có gì cao siêu cả, nếu chúng ta chọn cách làm thị trường truyền thống, tung vài mẫu mã hiện đại trong một năm, làm truyền thông tập trung vào là dễ thắng.

Ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược

Trong mấy năm qua, trước sự đổ bộ của loạt nhãn hàng thời trang trẻ thế giới vào Việt Nam, từ những nhãn hàng kinh điển như Adidas, Nike, Gap... đến Zara, H&M, Uniqlo, BR, Mango, Pull&Bear... khiến thời trang Việt vốn thị phần đã hẹp lại càng thu hẹp. Thế nhưng, sau một thời gian “sính mác ngoại”, nhiều tín đồ đã có sự so sánh và tiếc cho hàng nội. Thực tế, thị trường cũng có nhiều nhãn hàng thời trang nội địa dành cho giới trẻ đáng lưu ý. Ví dụ, thương hiệu BooBaab chuyên “trị” đồ thun dành cho giới trẻ, hay giày Ananas, Một... Chị M.H (Q.3, TP.HCM) là một trong những người trẻ cho biết rất ưng ý với chất liệu và kiểu dáng của nhãn hàng BooBaab. “Nhãn hàng này có mẫu mới nào ra là tôi mua ngay. Vừa rồi tôi mua 2 chiếc, màu tím và trắng, giá 499.000 đồng/chiếc. Tôi thích kiểu dáng của áo này, rộng, thoải mái, rất trẻ trung thời trang. So với chất lượng một chiếc áo thun ngoại, hàng trong nước không thua kém, nhưng giá chỉ bằng một nửa, hoặc thấp hơn”, chị M.H vừa nói vừa chỉ chiếc áo tím nhạt đang mặc trên người nhận xét, rất hiếm hoi có những nhãn hàng thời trang trong nước dành cho giới trẻ khiến chị ưng ý thế này.

Ba điểm yếu của thời trang Việt

Dù vậy, cuối năm 2021, Công ty CP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC) có báo cáo nhận định, thời trang nội địa bị mất lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế ngay trên sân nhà. Điều này không mới, chỉ có điều đáng chạnh lòng là nguyên nhân khiến thời trang nội địa thua thiệt ngay trên sân nhà, thu hẹp thị phần từ bao lâu qua vẫn chỉ có vậy. Mẫu mã thiết kế nghèo nàn, quy mô nhỏ, thương hiệu ít được biết đến do hạn chế kinh phí quảng bá… Chị Thu Hạnh, chủ cửa hàng thời trang nữ, chuyên hàng linen tại Q.3, nhận xét thời trang Việt đang mạnh ở mặt bán hàng không có thương hiệu là chủ yếu và giá thường mềm nhưng bán số lượng khiêm tốn so với hàng có thương hiệu. Chị dẫn chứng, chiếc đầm dài hàng linen của Uniqlo giá 1,1 triệu đồng; còn chiếc đầm hàng nội cùng màu, cùng chất liệu, bán tại cửa hàng của chị giá 450.000 đồng. Tương tự, áo đầm Zara 1,3 triệu đồng, cùng loại này hàng nội chị bán chỉ 500.000 đồng. Hàng có thương hiệu dành cho nữ công sở trong nước có Elisa, N&M, Blue, Canifa… nhưng thị phần khiêm tốn, vẫn bán hàng theo thói quen, manh mún, khiêm tốn và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với hàng ngoại.

Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn RBNC phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét: “Có 3 điểm yếu mà thời trang Việt gặp phải lâu nay là không coi trọng việc xây dựng thương hiệu, không làm truyền thông cho thương hiệu bền bỉ liên tục và cuối cùng là ngân sách dành cho marketing rất hạn hẹp. Trong đó, lý do về ngân sách chưa đúng hoàn toàn. Bởi trong thực tế, có không ít nhãn hàng thời trang ngay từ đầu thuê đại diện nhãn hàng, nghệ sĩ nổi tiếng làm sự kiện rất hoành tráng. Rồi sau đó “tắt lịm”, không làm gì nữa hay không nghĩ ra là làm gì tiếp theo đó. Nên nhớ thuê người nổi tiếng để làm đại diện nhãn hàng mới chỉ là 1/10 công cụ để làm thương hiệu”.

“Các nhãn hàng thời trang nước ngoài trước khi đến Việt Nam đã bỏ rất nhiều tiền để khảo sát thị trường. Thế nên, mới có chuyện hàng ngàn bạn trẻ Việt xếp hàng từ khuya để chờ mua hàng khi cửa hàng này mở cửa vào sáng hôm sau. Thậm chí, đã có trường hợp họ bỏ tiền thuê người… xếp hàng để làm hiệu ứng truyền thông. Những cửa hàng sau đó không cần phải rầm rộ nữa, nhưng bạn trẻ vẫn tìm đến mua. Đơn giản họ đã làm truyền thông và thương hiệu tốt, cho dù chất lượng hàng hóa rất bình thường. Cách làm này không mới, nhưng có thương hiệu thời trang Việt nào chọn cách làm kinh điển này?”, ông Robert Trần phân tích.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.