Nhìn lại câu chuyện thủy điện

22/12/2014 04:43 GMT+7

Giữa niềm vui to lớn cứu thoát được 12 công nhân bị sập hầm tại công trình xây dựng thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo thuộc tỉnh Lâm Đồng, chúng ta buộc phải nhìn lại và đặt câu hỏi vì sao lại xảy ra cơ sự như thế. Nguyên nhân trực tiếp, tất nhiên, là đào hầm làm thủy điện.

Giữa niềm vui to lớn cứu thoát được 12 công nhân bị sập hầm tại công trình xây dựng thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo thuộc tỉnh Lâm Đồng, chúng ta buộc phải nhìn lại và đặt câu hỏi vì sao lại xảy ra cơ sự như thế. Nguyên nhân trực tiếp, tất nhiên, là đào hầm làm thủy điện.

Trên thế giới, trong hiện tại thảm họa sập hầm cũng đôi khi xảy ra tại những nơi khai thác mỏ. Hiện tượng sập hầm khi đang thi công đường hầm không thấy xảy ra. Tính an toàn trong thi công xây dựng đã được tính toán kỹ lưỡng từ khâu khảo sát địa chất, thiết kế hầm và giải pháp thi công. Mọi chi phí phải tính đầy đủ và phải chi đầy đủ để không bắt con người phải hy sinh mạng sống.
Rất đáng tiếc, gần đây đã xảy ra khá nhiều trường hợp vỡ đập thủy điện khi đang thi công gây ngập lụt cho người dân địa phương. Trong 8 tháng, chỉ từ tháng 10.2012 đến tháng 6.2013 đã có 3 vụ vỡ đập thủy điện tại Đắk Krông 3, Quảng Trị; Đăk Mêk 3, Kon Tum và Ia Krel 2, Gia Lai; tràn đập tại Hố Hô, Hà Tĩnh và vỡ đường ống áp lực công trình thủy điện Đăm Bol, Đạ Tẻh, Lâm Đồng. Đến nay, sập hầm thủy điện tại Đạ Dâng - Đạ Chomo là một dạng thảm họa mới, buộc chúng ta phải nhìn lại câu chuyện hồ thủy điện, thủy lợi.
Đến năm 2010, thủy điện nước ta đã đóng góp tới 38% tổng sản lượng điện cả nước, bên cạnh các thủy điện lớn do nhà nước đầu tư là hàng loạt các thủy điện vừa và nhỏ phần lớn do tư nhân đầu tư. Lợi ích lớn nên loại dự án này thu hút vốn tư nhân khá mạnh. Đành rằng, nước ta còn thiếu điện nên đóng góp của tư nhân bằng các thủy điện nhỏ là cần thiết nhưng đừng để lại những thảm họa không nhỏ. Trách nhiệm đối với các thảm họa này thuộc về cả UBND cấp tỉnh trong vai cơ quan quản lý cấp phép và cả nhà đầu tư.
Trước hết, cần rà soát lại cơ chế quản lý. Về khung quản lý dự án, cần đặt ra một quy trình cẩn trọng hơn về phê duyệt dự án. Một dự án thủy điện phải có đủ luận chứng về phân tích chi phí - lợi ích, trong đó bao gồm đầy đủ những chi phí cho tổn hại về xã hội và môi trường đối với người dân. Mặt khác, hội đồng thẩm định phải được lập mang tính độc lập, có sự tham gia chủ yếu của các hiệp hội xã hội - nghề nghiệp có liên quan. Có như vậy mới có hy vọng cắt đứt được mối liên hệ lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
Về khung quản lý kỹ thuật, cần tăng cường khâu giám sát kỹ thuật, an toàn thi công và trao quyền giám sát cho các tổ chức khoa học - công nghệ có năng lực. Cuối cùng, cơ chế phân cấp thẩm quyền quyết định cho địa phương cần gắn chặt với cơ chế kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ chế giám sát của tổ chức, công dân. Những tính toán giảm chi phí kỹ thuật của nhà đầu tư chính là nguyên nhân gây ra các thảm họa đã xảy ra.
Chúng ta đang cùng nhau tìm đến ấm no, hạnh phúc, bình yên trên con đường phát triển kinh tế. Đừng để lợi ích kinh tế gây ra những bất an, thảm họa cho con người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.