Nhìn lại chửi thề

08/01/2010 10:50 GMT+7

(TNTT>) Tôi tin chắc, trong đời, ai cũng có một lần chửi thề. Nghĩ lại ngữ cảnh lúc đó, bạn luôn thấy mình đúng và thỏa mãn. Nhưng người khác, bị chửi hoặc vô tình nghe cảm thấy tức giận hoặc khó chịu. >> Văn hóa chửi mắng

Trên thực tế, chửi thề gắn liền với lịch sử loài người có bản chất “hỉ, nộ, ái, ố”. Từ người bình dân, cho đến người tạm gọi là cao quý nhất cũng có thể dùng chửi thề làm phương tiện trong những bối cảnh “chướng tai gai mắt”. Chửi thề là ngôn ngữ rất con người. Bởi, chửi thề sẽ đem lại "công bằng" ngay lập tức, mang lại hiệu quả cân bằng tâm lý tức thời.

Nhà văn Kim Dung, bậc thầy về mặt tâm lý, đã để cho một nhân vật của mình chửi thề liên tục nhưng độc giả cảm thấy rất “sướng”, đó chính là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Cũng như nhiều nhân vật khác của Kim Dung, khi bị địch nhân truy đuổi, thường chửi “bà mẹ quân rùa đen”, có lẽ đây là kiểu chửi thề của Trung Hoa, người đọc Việt Nam chưa sướng lắm. Tuy nhiên, khi Kim Mao Sư Vương gặp hoàn cảnh éo le, nhân vật này thường chửi “lão tặc thiên” thì đó là đỉnh cao của chửi thề. Độc giả cảm thấy mãn nguyện khi nghe Kim Mao Sư Vương chửi chính cái kiếp oan nghiệt của mình và cảm động trước số phận của lão. Có một chút gì đó công bằng, cũng giống như nhiều người nông dân ở miền Trung gặp lũ lụt hay hạn hán thường chửi “thằng trời già”, “thằng giặc trời”…

Chửi thề không thể thiếu trong đời sống. Ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng có khẩu ngữ chửi thề na ná như nhau. Đó là việc dùng những hành động, những bộ phận nhạy cảm, hoặc những ngôi thứ thiêng liêng làm từ chửi thề. Bình thường, không rơi vào một tình huống hay hoàn cảnh bất ngờ, bức xúc người ta không dễ dàng gì thốt ra những từ đó ngoại trừ những người “chửi thề quen miệng”. Chửi thề mang lại “cảm giác mạnh” vì ngôn từ chửi thề cùng một lúc nó vừa là danh từ, vừa là tính từ và cả động từ. Khi con người hiểu được ngôn ngữ là đã biết chửi thề. Ngoại trừ trường hợp nhiều tôn giáo liệt chửi thề vào những điều cấm kỵ như Thiên Chúa giáo.

Trên một diễn đàn, trước đây giáo sư Trần Quốc Vượng có kể giáo sư Tôn Thất Tùng là người có tật hay chửi thề mỗi khi đối mặt với tình huống cẳng thẳng trong phòng mổ. Ban thi đua khen thưởng Chính phủ loại tên ông ra khỏi danh sách phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì lý do này rồi gửi lên Bác Hồ. Đích thân Bác đã khuyên mọi người nên thông cảm với ông trong những thời điểm ngặt nghèo trước sinh mệnh con người.

Người xưa nói “tiên ố ngã khẩu”, nghĩa là những điều mình nói ra sẽ làm cái miệng mình dơ bẩn trước. Tuy nhiên, thiên hạ từ Tây sang Đông bất chấp lời răn đó vẫn cứ chửi thề. Ngày nay phim ảnh, văn chương dùng chửi thề như một “điểm nhấn”. Câu thoại hay nhất trong 100 câu thoại đáng nhớ do Viện phim Mỹ bình chọn thuộc về… một câu chửi thề. “Frankly, my dear, I don’t give a damn” được Rhett (Clark Gable thủ vai) thốt ra với Scarlett vào cuối phim “Cuốn theo chiều gió” khi Scarlett hỏi: “Em sẽ đi đâu? Em sẽ làm gì?”.

Văn chương Việt Nam từ thời xửa thời xưa đã có… chửi thề, bất chấp xã hội Nho giáo cấm kỵ những lời dơ bẩn. Cụ Tú Xương, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương… là những bậc thầy đưa chửi thề vào thơ. Cao Bá Quát trước giờ chết chửi thề rất “đã”: “Ba hồi trống giục mồ cha kiếp/Một nhát giươm đưa bỏ mẹ đời”.

Chửi thề, trong một ngữ cảnh nào đó nó thuộc về quyền cá nhân. Nhất là thời đại cuộc sống ngày càng ngột ngạt, bức xúc, con người ngày càng va chạm nhiều hơn. Tuy nhiên, "quyền cá nhân" đó cần có giới hạn văn hóa. Ở Anh, chửi thề sẽ bị phạt tiền chỉ khi vi phạm luật về trật tự công cộng, nghĩa là anh chửi thề làm ảnh hưởng đến người khác. Ở Việt Nam, chính quyền TP.HCM vừa triển khai năm 2010 là “Năm thực hiện nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị”, nói tục, chửi thề là một trong 6 hành vi được vận động nói “không”. Tuy nhiên, vấn đề chỉ dừng lại ở sự “vận động” ở cấp chính quyền địa phương chứ chưa thể thành luật được.

Tóm lại chửi thề nếu bạn thấy hay thì nó hay, nếu bạn thấy dở thì nó sẽ dở! Còn nếu chửi thề mà gây tổn thương cho người khác - những người không gây hại gì cho bạn, thì không còn là chuyện hay hay dở nữa, khi đó nó sẽ trở thành phi văn hóa.

Đọc "Văn hóa chửi mắng" của quý báo thật là bất ngờ thú vị. Lâu nay hễ nói đến "chửi mắng" là nói đến vô văn hóa, trong khi thật ra chửi mắng cũng là một thứ văn hóa, thậm chí là một thứ văn hóa hết sức đặc sắc. Tính cách của một dân tộc, bản sắc của từng địa phương và cá tính của từng người được in đậm trong chửi mắng. Các nhà văn không thể viết được những tác phẩm hay nếu không hấp thụ hết "nền văn hóa chửi mắng" của dân tộc mình. Bởi vì chửi mắng là... một phần tất yếu của cuộc sống. Những câu chửi của các bà ở đồng bằng Bắc bộ sẽ mất đi những cung bậc nhịp nhàng và âm hưởng du dương nếu dịch ra tiếng nước ngoài. Và bạn phải biết tiếng Nga thì mới cảm nhận được cái hay của những câu chửi mà Gamzatov dẫn trong Daghestan của tôi.

Điều thú vị nữa là, chửi mắng là một trong những yếu tố phản ánh rõ nhất phong cách của mỗi con người, cực kỳ riêng biệt. Nếu để ý bạn sẽ thấy rằng một người có thể giả tiếng nói của người khác, nhưng không thể giả được tiếng của người đó khi anh ta hoặc chị ta chửi bới. Câu chửi mắng được phát ra từ bản năng, từ tính cách thật của mỗi một con người. Bởi vậy tôi nghĩ "chửi mắng" cũng là đối tượng nghiên cứu của ngành nhân tướng học.

Nghe giọng điệu, cung bậc của những lời chửi ta có thể biết một người là thiện hay ác, là cao thượng hay thấp hèn. Xin cám ơn báo TNTT&GT đã đưa ra một đề tài thảo luận vô cùng hấp dẫn, các bạn rất biết cách làm báo.

Kiệt Hoàng Anh (…hoanganh@gmail.com)

Nguyễn Thành Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.