Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít

12/08/2024 13:31 GMT+7

Tròn 100 năm kể từ lần đăng cai gần nhất, ngọn đuốc Olympic mới lại cháy lên ở thủ đô nước Pháp. Đây là dấu mốc đáng nhớ để Paris tổ chức một kỳ Thế vận hội thực sự khác biệt.

Lần đầu tiên trong lịch sử, lễ khai mạc Thế vận hội được tổ chức trải dài hơn 6 km dọc theo sông Seine, với nhiều tiết mục khác nhau trên các địa danh nổi tiếng của kinh đô ánh sáng. Đoàn VĐV các quốc gia và vùng lãnh thổ, thay vì diễu hành trên đường chạy điền kinh như các kỳ Olympic trước, thì tại Paris, họ ngồi thuyền và diễu hành dọc sông Seine.

Đúng như lời hứa của Giám đốc nghệ thuật - Thomas Jolly các tiết mục của lễ khai mạc Olympic Paris 2024 đều khiến khán giả trầm trồ.

Lễ bế mạc Olympic Paris được tổ chức đơn giản hơn nhưng cũng không kém phần ấn tượng với điểm nhấn là màn biểu diễn của tài tử 62 tuổi Tom Cruise. Ngôi sao người Mỹ đã thực hiện cú nhảy từ mái SVĐ Stade de France có độ cao 42 m, trượt xuống bằng dây thừng và đáp xuống sân. Đây cũng được xem là màn trình diễn nguy hiểm nhất trong lịch sử Olympic.

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít- Ảnh 1.

Tom Cruise đáp sân bằng cú nhảy từ mái SVĐ Stade de France có độ cao 42 m

REUTERS

Gay cấn đến phút chót

Trước lễ bế mạc vài tiếng đồng hồ, người hâm mộ thể thao Mỹ và Trung Quốc vẫn hồi hộp chờ đợi xem đoàn nào mới chính thức xưng vương ở Olympic năm nay.

Hơn 30 năm qua, trừ Thế vận hội Bắc Kinh 2008 Mỹ luôn vượt trội trên bảng tổng sắp huy chương Olympic và gần như không có đoàn nào có thể uy hiếp đến ngôi vị số 1 của Mỹ. Nhưng Olympic 2024 thì khác.

Trong suốt hành trình gần 1 tháng vừa qua, đoàn thể thao Trung Quốc đã vài lần vượt mặt Mỹ trên bảng tổng sắp. Ở ngày cuối cùng của Thế vận hội Paris, Trung Quốc vượt lên và dẫn đầu với 40 HCV, hơn Mỹ đúng 1 HCV.

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít- Ảnh 2.

Đội tuyển bơi nghệ thuật của Trung Quốc thống trị tuyệt đối

REUTERS

Mọi ánh mắt đổ dồn về trận chung kết bóng rổ nữ giữa Pháp và Mỹ. Nếu chiến thắng đội chủ nhà, Mỹ sẽ lấy lại ngôi nhất toàn đoàn - ngang về số HCV nhưng vượt trội về HCB và HCĐ so với Trung Quốc.

Dù được đánh giá trên cơ nhưng đội tuyển bóng rổ nữ Mỹ cũng đã rất chật vật mới có thể vượt qua được các cô gái chủ nhà. Đến giây cuối cùng của trận đấu, tưởng chừng như Pháp đã ghi được 3 điểm để đưa trận đấu vào hiệp phụ thì cái chân trái giẫm vạch của Leïla Lacan khiến bóng rổ Pháp gục ngã trước cơ hội lịch sử.

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít- Ảnh 3.

Niềm vui của các cô gái bóng rổ Mỹ khi giành HCV cuối cùng ở Olympic 2024

REUTERS

Chung cuộc, bóng rổ nữ Mỹ giành chiến thắng với cách biệt sít sao 67-66, lấy HCV cuối cùng, qua đó lấy lại ngôi đầu bảng từ tay đoàn thể thao Trung Quốc.

Khi các xạ thủ bắn súng là tâm điểm

Bắn súng không phải là môn thể thao có quá nhiều bộ huy chương hay được đặc biệt yêu thích trong lịch sử Thế vận hội, nhưng ở Paris 2024, các VĐV bắn súng thực sự trở thành ngôi sao chính với hàng loạt khoảnh khắc gây “bão” mạng xã hội.

Có thể kể đến Kim Ye-ji - xạ thủ người Hàn Quốc, với thần thái siêu ngầu, phong thái lạnh lùng đối lập với chú voi nhồi bông dễ thương mà cô luôn đeo trên người - món quà may mắn từ con gái cô. Các clip thi đấu của Kim Ye-ji được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, rất nhiều trong số đó thu về từ hàng triệu đến chục triệu lượt xem trên nền tảng X.

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít- Ảnh 4.

Kim Ye-ji gây sốt với phong thái lạnh lùng

REUTERS

Hay “ông chú Thổ Nhĩ Kỳ”- biệt danh mà dân mạng đặt cho Yusuf Dikec - người có vẻ ngoài đối lập với Kim Ye-ji. Không trang bị “full giáp” như nữ xạ thủ Hàn Quốc, “ông chú Thổ Nhĩ Kỳ” chỉ mặc áo thun trắng, không đeo kính ngắm, không bịt tai cồng kềnh. Trên mặt là cặp kính cận bình thường, tay còn lại đút vào túi quần - chừng đó là đủ để Dikec gây sốt và trở thành nguồn cảm hứng cho trào lưu ảnh chế trên mạng xã hội.

Tranh cãi chính trị, tôn giáo và giới tính

Bên cạnh những dấu ấn khác biệt, lễ khai mạc Olympic Paris 2024 cũng để lại nhiều tranh cãi.

Đầu tiên là sự cố đọc nhầm tên quốc gia của ban tổ chức. Khi đoàn thể thao Hàn Quốc đang vẫy cờ diễu hành dọc sông Seine thì Ban tổ chức đã giới thiệu nhầm đây là "Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên".

Khoảng 2 giờ sau lễ khai mạc, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đưa ra lời xin lỗi chính thức trên tài khoản X (Twitter) bằng tiếng Hàn Quốc nhưng sự cố này đã khiến nhiều cổ động viên Hàn Quốc nổi giận, đặc biệt khi 2 quốc gia ở bán đảo Triều Tiên này đang trong thời kỳ quan hệ căng thẳng.

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít- Ảnh 5.

Đoàn VĐV Hàn Quốc đang diễu hành thì BTC đọc nhầm tên quốc gia

REUTERS

Một màn biểu diễn bị chỉ trích khác lại liên quan đến khía cạnh tôn giáo. Trong phần trình diễn catwalk bên bờ sông Seine, có phân cảnh nhiều nghệ sĩ trong trang phục sặc sỡ xếp hàng dài trên một chiếc bàn, tham dự một bữa tiệc xung quanh DJ Barbara Butch. Cách sắp xếp vị trí và tư thế của các nghệ sĩ là khung hình mô phỏng theo bức tranh nổi tiếng "Bữa tối ly" của đại danh họa Leonardo Da Vinci.

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít- Ảnh 6.

Khung cảnh được cho là động chạm đến tín ngưỡng ở lễ khai mạc Olympic Paris

Giám đốc nghệ thuật Thomas Jolly khẳng định màn trình diễn của các nghệ sĩ trên cầu không mô phỏng hình ảnh "Bữa tối ly" nhưng ban tổ chức vẫn cảm thấy rất tiếc và xin lỗi vì đã để xảy ra vụ việc gây tranh cãi.

Một lùm xùm khác cũng khiến dư luận tranh cãi nhiều ngày là về nghi vấn giới tính của 2 võ sĩ quyền anh Imane Khelif (Algeria) và Lin Yu-ting (Đài Loan). Hai võ sĩ đã bị Hiệp hội Quyền anh quốc tế (IBA) loại khỏi Giải vô địch thế giới năm 2023 khi hiệp hội này cho rằng xét nghiệm nhiễm sắc thể cho thấy họ không phải phụ nữ.

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít- Ảnh 7.

Lin Yu-ting (Đài Loan) trái và Imane Khelif (Algeria) vượt qua vô vàn áp lực để chạm tay đến HCV

Tuy nhiên, đến Olympic Paris, họ được quyền tham gia sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tước tư cách là cơ quan quản lý môn thể thao này của IBA vào năm 2023.

Một số đối thủ của 2 võ sĩ này đã bày tỏ sự bất bình, trong khi tranh cãi này cũng đã vượt qua khuôn khổ thể thao, trở thành đề tài công kích nhau của các nhà ngoại giao trên bàn họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Cả Imane Khelif và Lin Yu-ting đều đã giành HCV ở nội dung thi đấu của mình. Họ đều bật khóc khi giành chiến thắng và khẳng định đã vượt qua được vô vàn áp lực, xứng đáng với tấm huy chương Thế vận hội.

Khâu tổ chức bị chỉ trích

Với tham vọng tạo ra một kỳ Thế vận hội không thể nào quên được, nước Pháp cũng đã nỗ lực lồng ghép thông điệp “xanh” vào khâu tổ chức, nhưng không phải tất cả mọi người đều vui với thông điệp này.

Đầu tiên là việc nước chủ nhà không trang bị máy lạnh ở làng Olympic trong bối cảnh thời tiết Paris đang giữa mùa hè. Dù BTC khẳng định chỉ cần mở quạt là đủ để duy trì nhiệt độ phòng dễ chịu nhưng nhiều đoàn đã phải thuê máy lạnh để đảm bảo sức khỏe cho VĐV khi có thời điểm nhiệt độ ngoài trời lên tới 35-36 độ C.

Kế đến là tham vọng tổ chức thi đấu Triathlon - hay còn gọi là 3 môn phối hợp (chạy bộ - bơi và đua xe đạp) trên sông Seine để biến cuộc đua năm nay thành di sản lâu dài của Thế vận hội. Paris đã chi 1,52 tỉ USD tiền công quỹ cho cơ sở hạ tầng xử lý nước thải để chứa nước thải và giảm thiểu việc nước thải tràn ra sông.

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít- Ảnh 8.

Nước sông Seine có đảm bảo để thi đấu hay không là tranh cãi lớn ở Olympic lần này

REUTERS

Tuy nhiên, cuộc đua đã phải tạm hoãn vì nước sông Seine không đảm bảo do ô nhiễm sau trận mưa lớn và rồi sau đó tổ chức trở lại khi nguồn nước vượt qua các bài kiểm tra.

Tuy nhiên, sau cuộc đua, một VĐV đã nôn ói và một số VĐV khác đã phải nhập viện với chẩn đoán nhiễm khuẩn E.coli. Trong đó, VĐV Claire Michael của Bỉ phải điều trị khẩn cấp sau khi nhiễm khuẩn đường ruột. VĐV Hayden Wilde (New Zealand) dù giành HCB, nhưng cũng phải bỏ lỡ phần còn lại của Olympic do nhiễm khuẩn. Quyết định tổ chức môn Triathlon ở sông Seine của chủ nhà Pháp dấy lên hoài nghi: Phải chăng ban tổ chức Olympic chấp nhận đánh đổi tất cả, trong đó có sức khỏe của VĐV?

Khoảnh khắc Thị trưởng Paris Anne Hidalgo trao lại lá cờ Olympic cho Thị trưởng Los Angeles - Karen Bass, một kỳ Olympic đáng nhớ cũng đã khép lại. Bất chấp những cảnh báo về nguy cơ về an ninh trước đó, nước Pháp đã tổ chức một Thế vận hội thành công, ấn tượng và giàu cảm xúc.

Nhìn lại kỳ Olympic chưa từng có trong lịch sử: Ấn tượng nhiều, lùm xùm cũng không ít- Ảnh 9.

Thị trưởng Los Angeles Karen Bass vẫy cờ Olympic trong lễ bế mạc

REUTERS

Thế vận hội mùa hè Los Angeles sẽ diễn ra vào tháng 7.2028 trên đất Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.