Phương pháp mới dựa trên kết quả của nhiều năm nghiên cứu về việc con người có thể vô tình tiết lộ cảm xúc của mình qua những thay đổi tinh tế trong vẻ mặt và sự lưu thông máu đến da. Theo đó, người ta bày tỏ cảm xúc qua các cử động mắt, con ngươi giãn ra, cắn hoặc mím môi, nhăn mũi, chớp mắt…, và tất cả được camera ghi lại. Thậm chí, những mạch máu căng phồng xung quanh hốc mắt cũng “phản bội” chúng ta, và chúng bị thiết bị cảm biến nhiệt phát hiện. Thông tin của camera và thiết bị cảm biến nhiệt được đưa đến một máy tính được trang bị bộ thuật toán đặc biệt, từ đó đánh giá mức độ chân thật của người bị thẩm vấn.
|
Cho đến nay hệ thống chỉ mới được thử nghiệm trên những người tình nguyện. Các nhà nghiên cứu dự định sẽ triển khai hệ thống này tại một sân bay ở Anh vào cuối năm nay với hy vọng nó có thể hỗ trợ đội ngũ quản lý di trú khi tiến hành các cuộc phỏng vấn về an ninh. “Trong tình huống căng thẳng thật sự, chúng tôi có thể đạt được tỷ lệ thành công cao hơn”, giáo sư Ugail nói với đài BBC. Ông tin tưởng hệ thống mới cuối cùng có thể phát hiện khoảng 90% người nói dối, tương đương với máy dò nói dối (polygraph) hiện đang được sử dụng.
Các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng các cuộc thử nghiệm khó đem lại kết quả chính xác 100%. Hệ thống phát hiện những cảm xúc, chẳng hạn như lo lắng, sợ hãi hay nghi ngại, chứ không phải là hành động nói dối. Đó có thể là nỗi lo không được tin tưởng hơn là sợ bị bắt quả tang.
Trùng Quang
Bình luận (0)