Cư dân mạng xã hội Trung Quốc cho rằng màn trình diễn tệ của tuyển quốc gia trước Iran và bị loại tứ kết Asian Cup 2019 không phải lỗi của HLV Marcelo Lippi mà xuất phát từ căn bệnh kinh niên, trong đó mới nhất là thế hệ cầu thủ “lười phấn đấu” và không có tính đồng đội.
Trước đó, sau khi Trung Quốc nhận thất bại đậm 0-3 trước Iran ở tứ kết Asian Cup 2019 vào ngày 25.1, cư dân mạng xã hội Sina Weibo của quốc gia này đã liên tục bàn tán về việc HLV Lippi không gia hạn hợp đồng. Chỉ trong trưa 25.1, cư dân mạng Trung Quốc đã có khoảng 150 triệu lượt chia sẻ, bình luận xoay quanh chiếc ghế HLV của Lippi, người được bổ nhiệm dẫn dắt tuyển Trung Quốc từ năm 2016.
Tuyển Trung Quốc bị chỉ trích khi mang đến Asian Cup 2019 với một đội hình già nua CHỤP MÀN HÌNH
Theo BBC, đa số các bình luận cho rằng ông Lippi đã nỗ lực hết minh nhưng vẫn không “chữa” được căn bệnh cố hữu của bóng đá Trung Quốc, trong đó có thái độ của các tuyển thủ. Một số bình luận cho rằng “căn bệnh” của bóng đá Trung Quốc không những là vấn nạn tham nhũng, yếu kém quản lý, mà còn là thế hệ cầu thủ lười phấn đấu và thiếu tính đồng đội. Vì vậy dễ hiểu vì sao truyền thông và cư dân mạng xã hội Trung Quốc vẫn ca ngợi HLV Lippi sau khi tuyển quốc gia bị loại ở tứ kết Asian Cup 2019.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post (SCMP), một bộ phận lớn người hâm mộ Trung Quốc “bình thản” trước việc tuyển nước nhà bị loại vì dường như đó kết cục mà họ đã lường trước. Vấn đề tuổi tác già nua của tuyển quốc gia dự Asian Cup 2019 được cư dân mạng Trung Quốc đem ra bàn luận nhiều nhất. Trung Quốc là tuyển có độ tuổi trung bình lớn nhất tại giải đấu khi 17/23 tuyển thủ có độ tuổi từ 29 trở lên.
Đội tuyển Iran đã không gặp nhiều khó khăn trong việc giành chiến thắng 3-0 trước Trung Quốc để gặp Nhật Bản ở bán kết Asian Cup 2019.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã lấy độ tuổi trẻ trung của các đội để lại nhiều ấn tượng ở Asian Cup 2019 như Thái Lan, Nhật Bản và đặc biệt là sự trỗi dậy của bóng đá Việt Nam đem ra để so sánh với tuyển nước mình. Vì vậy, dư luận Trung Quốc nhận định rằng bóng đá nước này một lần nữa lùi bước trên con đường hướng đến tham vọng trở thành cường quốc bóng đá thế giới trong tương lai. Cụ thể, việc chia tay Asian Cup 2019 đồng nghĩa với “Kế hoạch hành động” của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) cho năm 2020 đã thất bại sau những thành tích tệ hại của các tuyển trẻ ở vòng loại U.18 châu Á, World Cup U.17 và World Cup U.20.
Theo SCMP, nhiều ý kiến cho rằng bóng đá Trung Quốc cần phải làm mọi giá để xây dựng một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng trong tương lai cho tuyển quốc gia. Bởi theo họ, dù có thuê và biến HLV Lippi thành nhà cầm quân được trả lương cao nhất thế giới thì nhà cầm quân người Ý cũng không phải “vị thần” để vực dậy bóng đá đất nước đông dân nhất thế giới.
HLV Lippi đã không "chữa" được căn bệnh kinh niên của bóng đá Trung Quốc AFP
Vì vậy, câu hỏi mà dư luận Trung Quốc đặt ra hiện nay là ai sẽ là người kế nhiệm Lippi để bắt đầu cho cuộc hành trình vòng loại hướng đến World Cup 2022. Một số nhà bình luận đã nhắc đến Pep Guardiola (HLV của Manchester City) hay Jose Mourinho, người vừa bị Manchester United sa thải. Thế nhưng, dù có thể được trả mức lương cao ngất, nhưng các nhà cầm quân danh tiếng này được cho là khó có thể đáp ứng các tiêu chí khá gắt gao của CFA.
Theo công bố mới nhất về tuyển chọn người thay thế Lippi của CFA, tân HLV phải chịu được áp lực trong tham vọng đưa bóng đá Trung Quốc trở thành cường quốc trong tương lai; tránh làm CĐV phẫn nộ với những thành tích thất vọng trước các đối yếu hơn dù tại các trận giao hữu; trọng dụng tài năng trẻ; người kế nhiệm Lippi phải đặc biệt hiểu rõ chính sách của CFA, trong đó có việc mới đây đưa hàng chục cầu thủ lứa tuổi U.25 đến trại quân sự để huấn luyện với mục tiêu “rèn” sự tự hào dân tộc.
[VIDEO] TRUYỀN THÔNG CHÂU Á TỪNG "PHÁT SỐT" THẾ NÀO VÌ ĐỘI TUYỂN VIỆT NAM?
Bình luận (0)