Nhìn từ chị công nhân quét rác

24/07/2016 05:32 GMT+7

Cứ mỗi buổi chiều tan việc, hàng chục ngàn công nhân túa ra ở các khu công nghiệp. Cứ mỗi tối trên đường về, tôi lại thấy chị công nhân vệ sinh cặm cụi quét rác.

Sao công nhân ở xứ mình nhiều thế! Đời sống của họ cũng còn bao vất vả.
Tôi nhớ lần trò chuyện với vị lãnh đạo ngành môi trường. Tôi hỏi: “Sao anh không đề xuất nhập xe quét rác?”. Anh này chậc lưỡi: “Nếu nhập về thì hàng ngàn công nhân đi về đâu?”. Vì thế, người công nhân kia vẫn được cái “đặc ân” là có công ăn việc làm, dù chỉ là quét rác. Mà đặc điểm của nghề này lại là cha truyền con nối.
Sự kiện Brexit khiến tôi liên tưởng đến một sự kiện xảy ra hơn 300 năm trước cũng ở Anh. Đó là Glory Revolution - cuộc cách mạng quang vinh năm 1688, với kết quả đem lại sự thịnh vượng cho người dân. Nhưng để có cuộc cách mạng đó, người dân Anh phải trả giá bằng hàng trăm năm. Chuyện bắt đầu năm 1583, nữ hoàng Elizabeth I yêu cầu người dân ra đường “phải đội mũ len”. Thế là nhà nhà đan len, người người đan len để phục mệnh nữ hoàng. William Lee vừa tốt nghiệp ĐH Cambridge, cậu không chịu nổi cảnh cứ tối tối lại thấy mẹ và em gái cặm cụi cầm 2 cái que tre đan qua đan lại dưới ánh đèn vàng vọt. Cậu nghĩ ra chiếc máy giải phóng cho người đan len rồi trình lên nữ hoàng xin bằng sáng chế. Nữ hoàng xem xong nói rằng: “Ngài Lee, tôi đồng ý sáng chế của ngài đáp ứng được mệnh lệnh của tôi nhưng tôi nghĩ sáng tạo này sẽ khiến thợ đan len thất nghiệp và phải đi ăn mày”. Nữ hoàng mất, vua James I kế vị cũng không cấp bằng cho Lee William vì lý do tương tự. Cả hai sợ việc cơ giới hóa ngành dệt sẽ khiến nhiều người Anh thất nghiệp. Khi nạn thất nghiệp tăng, xã hội sẽ bất ổn, chính trị bất ổn và quyền lực hoàng gia bị lung lay.
Tội cho Lee, ông chỉ nghĩ rằng máy đan len ra đời sẽ giúp năng suất tăng mạnh mẽ. Ông không nghĩ rằng sáng tạo của mình bị chính người thợ đan len chống đối, và cả những người có chức quyền. Phản ứng của hoàng gia Anh chính là chìa khóa của sự phân chia giàu - nghèo. Nỗi sợ của hoàng gia khiến người dân Anh mất đi quyền được giàu có chính đáng dù họ hiểu rằng đổi mới kỹ thuật sẽ giúp đời sống người dân thịnh vượng hơn. Cả nữ hoàng Elizabeth I lẫn vua James I đều sợ rằng cái mới ra đời sẽ tiêu diệt những đặc quyền đặc lợi về kinh tế của họ, và trên hết là quyền lực chính trị. Vì thế, họ lấy lý do bảo vệ những người thợ đan len, lúc này có nguy cơ thất nghiệp trước cỗ máy của Lee. Nhưng thực chất, họ sợ sẽ có bất ổn và họ sợ mình sẽ là người thất bại trong sự bất ổn đó.
Nữ hoàng Elizabeth I và vua James I, thay vì đặt quyền lợi của người dân lên trên hết thì điều duy nhất khiến họ lo ngại chỉ là vị trí và quyền lực của họ có thể bị đe dọa. Từ đó, hoàng gia Anh đã thiết lập những rào cản gây trở ngại cho sự đổi mới. Tuy nhiên, sáng kiến của linh mục Lee đã trở thành điểm xoay của cuộc cách mạng công nghiệp, dẫn đến sự thay đổi lớn về chính trị ở Anh sau này, dẫn đến việc hạn chế quyền lực của hoàng gia. Thành công của sự thay đổi đã dẫn đến một nước Anh cường thịnh.
Trở lại câu chuyện của chúng ta, sao tôi vẫn thấy công nhân quá nhiều.
Sao người quét rác cứ phải tiếp tục quét rác?
Cuộc đời làm báo cho tôi cơ hội đi thăm một số nhà máy ở châu Âu. Tôi lạ rằng, trong một cái nhà máy rộng mênh mông, tìm mãi không thấy anh công nhân nào cả. Tất cả công việc đều được tự động hóa, robot làm thay, giải phóng sức người.
Khi nào thì sức người của công nhân chúng ta được giải phóng? Khi nào những anh chị công nhân kia không phải quét đường nữa để được huấn luyện, chuyển đổi lên một công việc khác tốt hơn, thu nhập cao hơn? Và để khi đó, đời con cháu họ không phải kế tục cha mẹ, đứng đường quét rác!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.