Trần Thanh Phương đã sắp xếp theo thời gian qua đời của 50 nhà văn, nhà thơ hiện đại mà tác giả có đủ tư liệu, để soạn cuốn sách này. Đó là Vũ Trọng Phụng (mất năm 1939), Hàn Mặc Tử (1940), Trần Đăng (1949), Thâm Tâm (1950), Thôi Hữu (1950), Nam Cao (1951), Nguyễn Huy Tưởng (1960), Lê Văn Trương (1964), Nguyễn Bính (1966), Nguyễn Thi (1968), Lê Anh Xuân (1968), Dương Thị Xuân Quý (1969), Chu Cẩm Phong (1971), Nguyên Hồng (1982), Đặng Thai Mai (1984), Xuân Diệu (1985), Vũ Ngọc Phan (1987), Nguyễn Tuân (1987), Thanh Tịnh (1988), Xuân Quỳnh (1988), Lưu Quang Vũ (1988), Quang Dũng (1988), Nguyễn Minh Châu (1989), Đoàn Giỏi (1989), Thế Lữ (1989), Chế Lan Viên (1989), Lưu Trọng Lư (1991), Hoàng Trung Thông (1993), Phùng Quán (1995), Yến Lan (1998), Nguyễn Văn Bổng (2001), Trinh Đường (2001), Ngân Giang (2002), Tố Hữu (2002), Nguyễn Đình Thi (2003), Thu Bồn (2003), Bảo Định Giang (2005), Huy Cận (2005), Anh Thơ (2005), Trần Bạch Đằng (2007), Bàn Tài Đoàn (2007), Phạm Tiến Duật (2007), Nguyễn Khải (2008), Sơn Nam (2008), Thảo Phương (2008), Tế Hanh (2009), Hữu Loan (2010), Hoàng Cầm (2010), Hoài Anh (2011) và Chim Trắng (2011).
Với mỗi tác giả, trước khi kể chuyện về “phút lâm chung” và “việc hậu sự”, nhà báo Trần Thanh Phương đều chọn in ảnh chân dung, tóm tắt thân thế, sự nghiệp, các tác phẩm chính và đặc biệt là chọn đăng một đoạn văn, câu thơ hay một đoạn phê bình văn học để đời của họ làm đề từ. Thí dụ về nhà văn Vũ Trọng Phụng, ông chọn câu nói nổi tiếng của nhân vật chính trong tiểu thuyết Số đỏ, đó là câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Kể chuyện chữa bệnh lao phổi thời đó, Vũ Trọng Phụng đã phải nghe lời bác sĩ, hút thuốc phiện để kéo dài sự sống, rồi nói với bạn văn: “Nghiện thuốc phiện thì đê hèn thật, nhưng còn hơn chết chứ. Tôi, trên còn bà, dưới còn vợ, và con. Bằng ấy người trông vào tôi”. Nhưng rồi nhà văn đã ra đi khi mới 27 tuổi, vào ngày 13.10.1939, tại Hà Nội. Sách kể tiếp: “Hố huyệt của nhà văn được đào từ hôm trước, cách mộ Tản Đà vài bước chân. Linh cửu vừa từ từ hạ xuống thì bà Vũ Trọng Phụng vì quá thương chồng đã lăn xuống huyệt”. Sau khi nhà thơ Lưu Trọng Lư đọc điếu văn, nhà văn Bùi Huy Phồn đọc hai câu đối có lồng tên 6 tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng: Cạm bẫy người tạo hóa khéo căng chi, qua Giông tố tưởng nên Số đỏ/ Số độc đắc văn chương vừa túng thế, nỡ Dứt tình, Không một tiếng vang.
Chuyện về nhà văn Nam Cao, ông hy sinh năm 1951 trong vùng địch hậu ở Ninh Bình, được người dân địa phương chôn cất chung với đồng đội trong cùng một nấm mồ. Vì vậy, mãi tới năm 1998, gia đình mới tìm được hài cốt nhà văn đưa về quê Hà Nam cải táng. Và đây là một câu chuyện ly kỳ, phải nhờ đến nhà ngoại cảm phối hợp với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an công phu tìm kiếm và xét nghiệm mới có kết quả.
Nhà văn Sơn Nam mất ngày 13.8.2008 tại bệnh viện Nhân dân Gia Định, thọ 82 tuổi. Lễ viếng nhà văn vào sáng hôm sau tại nhà tang lễ TP.HCM. Sách kể: “Nhiều nhà văn và bạn đọc yêu mến ông, sau khi thắp nén nhang trước quan tài ông, lại kéo nhau ra quán rượu gần nhà tang lễ nhắm ly rượu tiễn biệt người quá cố. Buồn thương, nhưng không bi lụy”. Trước đó 2 trang, sách viết: “Tự dưng thấy sức khỏe của mình không được như trước, năm 2003, ông đã đến phòng công chứng làm tờ di chúc. Biết tôi thích lưu giữ tài liệu về ông, ông tặng tôi bản sao tờ di chúc đó, nội dung có đoạn: “Hôm nay, ngày 20.11.2003, tại phòng công chứng số 5 thành phố Hồ Chí Minh, tôi tự nguyện tuyên bố nội dung di chúc của tôi và do công chứng viên ghi chép chính xác, đánh máy lại như sau: Tôi tên là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926, chứng minh nhân dân số 021144502 cấp ngày 26.6.1978 tại công an thành phố Hồ Chí Minh…””.
Kể chuyện nhà thơ Chim Trắng (mất ngày 28.9.2011 tại nhà riêng ở Bình Dương), có đoạn: “Khi chứng ung thư gan bộc phát, ông vẫn kiên quyết không vào bệnh viện. Cô con dâu út phải năn nỉ ông”. Và: “Khi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy, ông đã bứt hết dây truyền dịch thuốc, hét lên: “Tôi là người tự do…”. Rồi lịm dần”. Ở trang cuối, 472, tác giả cuốn sách này trích thơ của nhà thơ Lê Chí ở Cần Thơ, tiễn biệt Chim Trắng: Ông là con chim của vườn dừa thăm thẳm/ Lượn thong dong trên sóng Hàm Luông/ Vỗ cánh miệt mài đất nước.
Huỳnh Kim
Bình luận (0)