Nhớ bánh xưa: Bánh tổ

14/02/2013 14:00 GMT+7

(TN Xuân) Bánh tổ, cái tên nghe mộc mạc và nhắc nhớ về truyền thống tổ tiên.

Theo truyền thuyết, bánh tổ vốn do tổ mẫu u Cơ làm ra phát cho 100 con lên núi xuống biển để làm lương khô ăn dọc đường. Cách chế biến bánh tổ cũng đơn giản và mộc mạc như người dân xứ Quảng. Nguyên liệu chính để làm bánh chỉ gồm nếp, gừng, hạt mè, đường bát - một loại đường đặc sệt chất Quảng Nam. Nếp sau khi phơi thật khô thì đem xay mịn thành bột, trộn với nước đường bát đã được nấu. Độ mềm mại và thơm ngon của bánh không chỉ phụ thuộc nhiều vào công đoạn chọn nếp mà còn ở công đoạn trộn làm sao cho bột bánh thật đều.

Nhớ bánh xưa: Bánh tổ
Bánh tổ - Ảnh: Vũ Phương Thảo

Để bánh thơm nồng, quá trình trộn bột người ta cho thêm một chút nước gừng vừa phải. Sau khi bột được trộn nhuyễn thì đổ vào từng khuôn. Khuôn bánh tổ chỉ nhỉnh hơn bát ăn cơm, được đan bằng tre, lót lá chuối xanh mướt. Công đoạn tiếp theo là cho các khuôn bánh tổ vào nồi lớn đem hấp. Người nấu bánh phải canh làm sao khi bánh vừa chín tới, nhanh tay rắc hạt mè trắng thật đều khuôn trước khi đem phơi nắng vài hôm để bánh se cứng lại.

Khác với các loại bánh mứt khác, điều hơi lạ là bánh tổ ăn ngay thường không ngon mà phải để dành một thời gian cho vị gừng, vị ngọt dẻo của nếp ngấm lại; khi đó chiên ăn rất ngon.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.