Nhiều hộ nông dân trồng ớt ở H.Anh Sơn (Nghệ An) đang phải để ớt thối ngoài đồng ruộng, thậm chí nhổ bỏ loại cây này, do doanh nghiệp dừng thu mua.
Cây ớt bị nông dân nhổ vứt đầy ruộng - Ảnh: Phạm Đức |
Bà Nguyễn Thị Mến (53 tuổi, ngụ xóm 6, xã Hoa Sơn, H.Anh Sơn) là 1 trong 150 hộ của xã được chọn để trồng giống ớt cay cao sản theo đề án chuyển đổi cây trồng của địa phương. Sản phẩm được Công ty CP nông nghiệp và xuất nhập khẩu nông lâm sản Thanh Hóa ký hợp đồng bao tiêu. Tuy nhiên, khi gia đình bà thu hoạch đợt 2, thì doanh nghiệp này dừng thu mua. Không bán được ớt, bà Mến và nhiều hộ dân địa phương đành bỏ ớt thối ngoài đồng, thậm chí nhổ hết ớt chín đỏ vứt lên bờ ruộng.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra đối với nông dân trồng ớt tại xã Tường Sơn, Hội Sơn, Long Sơn, Đức Sơn và Vĩnh Sơn (đều thuộc H.Anh Sơn) khi toàn bộ gần 20 ha ớt đang cho thu hoạch nhưng không có đầu ra.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, cho biết sau khi Công ty CP nông nghiệp và xuất nhập khẩu nông lâm sản Thanh Hóa ngừng thu mua ớt, UBND H.Anh Sơn đã đồng ý để người dân bán ớt cho một doanh nghiệp khác đóng tại Hà Tĩnh. Công ty này yêu cầu người dân phải cung ứng đủ 100 tấn ớt mới ký hợp đồng. Sau khi họp dân, chính quyền xã đồng ý ký hợp đồng với công ty nhưng đến nay mới cung cấp được 20 tấn. Đợt rét đậm kèm sương muối xuất hiện hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2.2016 đã làm khoảng 50% diện tích ớt bị chết, ớt không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nên công ty đã tạm dừng thu mua.
“Đại diện công ty này thông báo chỉ trả tiền mua ớt cho người dân khi mua đủ 100 tấn ớt như hợp đồng đã ký. Ngoài ra, nông dân trồng ớt phải trả tiền bảo quản ớt 2 tháng do không đạt sản lượng bốc hàng”, ông Thọ nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng, năm 2014, H.Anh Sơn là địa phương đầu tiên đưa cây ớt cay cao sản vào trồng thử nghiệm trên đồng đất 6 xã và được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Mùa ớt đầu tiên, doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm đã đem lại cho bà con nông dân thu nhập 5-7 triệu đồng/ha, cao gấp 3 - 4 lần so với các loại cây truyền thống. Vì vậy, vụ ớt năm 2015 - 2016, nông dân trong huyện đã mạnh tay đầu tư trồng ớt.
“Hiện nay, hầu hết các hộ dân đều phá bỏ cây ớt, chuyển sang trồng ngô. Đây là bài học đắt giá cho chúng tôi trong chuyển đổi cây trồng”, ông Nguyễn Đình Đăng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Anh Sơn, nói.
Bình luận (0)