Hằng năm, thu hoạch ớt của mỗi hộ dân xã Vinh Xuân (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) thu về gần 200 triệu/1.000 m2 chưa kể các cây xen canh như đậu, dưa leo.
Người dân xã Vinh Xuân thoát nghèo nhờ cây ớt - Ảnh: T.H-P.H |
Mảnh đất Vinh Xuân mùa mưa thì lũ lụt, mùa nắng thì hạn hán. Thanh niên trong xã đều đi làm xa, để lại thôn quê chủ yếu là những người già từ 50 tuổi trở lên sống cùng con cháu nhỏ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Những tưởng người dân sẽ khó có thể cải thiện được cuộc sống khổ cực hằng ngày, nhưng nhờ sự chịu khó và cố gắng vươn lên, những người dân nơi đây đã tìm những cây trồng hoa màu ngắn ngày để chống lại sự khắc nghiệt của thời tiết. Những cánh đồng cát bao la nơi đây giờ được phủ một màu xanh của cây ớt, người dân Vinh Xuân nghèo khó đã nhen nhóm hi vọng đi lên bằng việc xuất khẩu hoa màu sang thị trường nước ngoài.
Vụ chính của ớt ở xã Vinh Xuân từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, giá ớt vụ chính thường là từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Còn trái vụ là vào khảng tháng 7 đến tháng 11, giá ớt vào vụ cao gần gấp đôi khoảng 25.000 đồng/kg. Cây ớt được coi là cây dễ trồng ở vùng đất cát của Vinh Xuân này vì không phải chăm sóc nhiều công, ít sâu bệnh mà cho sản lượng thu hoạch thường xuyên nên nhà nhà đều trồng cây ớt xen canh cùng các loại cây khác để tăng thu nhập.
Bác Phạm Quyền, một hộ trồng ớt trong xã cho biết: “Mỗi năm gia đình thu hoạch được gần 100 triệu trên 500 m2 đất. Ngoài ra tôi còn trồng các loại cây xen canh như dưa leo và đậu cô ve để kiếm thêm thu nhập. Tính ra gia đình thu được gần 200 triệu mỗi năm từ việc trồng các loại hoa màu ngắn ngày này”.
Thu hoạch xong mọi người chọn lựa những trái ớt lớn, tròn trĩnh, không vết sâu đục, đem ủ cho chín sau đó cắt bỏ cuống, đựng vào bao tải và ép lấy nước theo cách thủ công truyền thống. Dưới tấm ván ép, những trái ớt mọng đỏ nát dần cho ra một thứ nước đặc sền sệt, màu đỏ thẫm như tiết dê, cay thơm vô cùng. Nước ớt nguyên chất phơi nắng, hòa với muối (theo một bí quyết pha trộn truyền thống) giữ được rất lâu, đến cả năm trời, không lên men, không hư thối, không bị nấm mốc.
Về mùa mưa gió giá rét, trong làng bắt đầu khui những lu nước ớt đậy kỹ ra bán. Những người mua phần đông là phụ nữ, gánh đi bán ở chợ hoặc bán rong ở các làng xã phụ cận. Với việc sản xuất và chế biến thủ công, không sử dụng hóa chất đã làm cho thương hiệu ớt Vinh Xuân nổi tiếng khắp vùng và dùng để xuất khẩu. Ngoài ra nó cũng giúp bà con tiết kiệm được chi phí và thu lợi từ việc sản xuất tại chỗ. Với hương vị nước ớt cay nồng, giữ thơm mùi nắng hạ đủ sưởi ấm con người nghèo khó trước cái lạnh mùa đông xứ Huế.
Anh Nguyễn Thanh Nam, Chủ nhiệm HTX Vinh Xuân cho biết: “Mô hình trồng ớt đang được HTX mở rộng và áp dụng các khoa học kỹ thuật vào để tăng sản lượng và chất lượng cho ớt. Ngoài ra các loại cây như đậu cô ve, dưa leo cũng thích hợp trồng trên đất cát xã Vinh Xuân nên sẽ quy hoạch để bà con canh tác đúng thời vụ, tránh được những thiệt hại do thời tiết gây ra”.
Việc xen canh hợp lý đã giúp cho bà con xã Vinh Xuân thu được lợi nhuận cao từ cây ớt và các loại hoa màu ngắn ngày khác. Riêng việc trồng ớt đã đưa bà con Vinh Xuân thoát nghèo nơi vùng đất ven biển toàn cát, quanh năm đối chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Bình luận (0)