Nhờ cấy thiết bị điện vào hộp sọ, cô gái thoát khỏi bóng ma trầm cảm

Ngọc Quý
Ngọc Quý
18/10/2021 09:38 GMT+7

Dù đã dùng mọi loại thuốc và phương pháp điều trị nhưng trầm cảm vẫn luôn khiến cô Sara ở Mỹ cảm thấy đau khổ. Cuối cùng, các nhà khoa học đã cấy vào hộp sọ cô một thiết bị điện. Cách này đã mang lại hiệu quả bất ngờ.

Cô Sara, 36 tuổi, bị trầm cảm nặng suốt nhiều năm. Với cô, cuộc sống là những chuỗi ngày buồn và đau khổ, theo Science News.

Cô Sara, 36 tuổi, ở Mỹ đã hết trầm cảm nhờ cấy vào hộp sọ một thiết bị điện có tác dụng kích thích não

SHUTTERSTOCK

Cô phải vật lộn với các triệu chứng nghiêm trọng của trầm cảm. Tất cả phương pháp điều trị có thể dùng đến cô Sara đều đã thử, từ dùng thuốc đến liệu pháp sốc điện. Tuy nhiên, mọi thứ đều không hiệu quả.

“Tôi không còn biết phải dùng đến phương pháp điều trị nào. Tôi cảm thấy như bị tra tấn mỗi ngày. Tôi hầu như không vận động hay làm bất cứ điều gì. Khi rơi xuống hố sâu của trầm cảm, tôi thấy mọi thứ xung quanh mình đều tệ hại”, cô Sara kể lại.

Hy vọng đã mở ra khi cô Sara tình nguyện tham gia vào chương trình thử nghiệm liệu pháp mới của các nhà khoa học Đại học California - San Francisco (Mỹ). Theo đó, cô sẽ được cấy vào hộp sọ một thiết bị nhỏ bằng hộp diêm.

Thiết bị này nằm dưới da đầu, có chứa pin và máy phát xung điện. Sau đó, các nhà khoa học đã khoan 1 lỗ nhỏ vào hộp sọ để kết nối dây điện trực tiếp với thể vân bụng trong não. Kích thích vùng này thường xuyên sẽ giúp chấm dứt trầm cảm, tiến sĩ Katherine Scangos, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Về mặt kỹ thuật, thiết bị này sẽ luôn hoạt động. Nó sẽ theo dõi hoạt động não của Sara, đặc biệt là hạch hạnh nhân, và chỉ phát xung điện kích thích khi cần thiết.

Với người bình thường, phương pháp như vậy có vẻ rất đáng sợ. Nhưng với Sara, đây là cách duy nhất để cô có thể thoát khỏi bóng ma trầm cảm và trở lại cuộc sống bình thường.

Thiết bị đã thực sự thay đổi cuộc sống của Sara. Kể từ khi cấy thiết bị vào hộp sọ, suốt hơn 1 năm nay, cô đã không còn bị trầm cảm. Cô Sara cho biết cuộc sống đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.

Đôi khi, cô vẫn cảm thấy bản thân chán nản, mất động lực. Đây là một trong những biểu hiện đặc trưng của trầm cảm. Nhưng nhờ thiết bị đã cấy ghép, cô chỉ cảm thấy tình trạng này kéo dài khoảng 15 phút và sớm cảm thấy tỉnh táo, tràn trề năng lượng trở lại.

Sara là người đầu tiên áp dụng phương pháp cấy ghép thiết bị vào hộp sọ này. Với trường hợp của cô, phương pháp đã có hiệu quả. Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn đang tuyển các tình nguyện viên khác để nghiên cứu sâu hơn về tính hiệu quả của thiết bị, theo Science News.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.