Vào năm 2000, sau khi gặp cụ, tôi nảy ra ý định viết về cụ một bài gửi đăng trên Thanh Niên cuối tuần. Nhà báo - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển lúc ấy phụ trách tờ này, đã cho đăng trên chuyên mục nhân vật số báo ngày 13.8.2000 với tựa đề: Giáo sư Đỗ Tất Lợi: “Tiến sĩ thuốc nam”. Một tựa báo tôi rất thích, bởi có lẽ nó dung dị, hồn hậu như tính cách của cụ, khác với cái tựa trước đó tôi đặt hơi… “đao to búa lớn”: “GS-TS Đỗ Tất Lợi: Một cuộc đời vinh quang và cay đắng!”. Khi báo ra, tôi đã thầm cảm ơn nhà báo Vũ Đức Sao Biển về cách dùng từ tinh tế và kỹ thuật biên tập của ông.
Tiến sĩ, nhưng không bảo vệ luận án
Tháng 8.2000, tôi gặp cụ Lợi lần đầu ở phòng khám Tuệ Lãn nằm trong một con hẻm trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, TP.HCM) của Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, là học trò “ruột” của cụ, cũng là nơi sau này Lương y Nghĩa được sự cho phép của gia đình, đặt bàn thờ cụ ở đây. Mỗi dịp giỗ cụ, Lương y Nghĩa lại cúng kiếng rất trang nghiêm, thành kính và mỗi khi như vậy, lại có bác sĩ Đỗ Tất Tạo, công tác ở khoa Gây mê - Hồi sức của Bệnh viện Việt Đức (nay đã nghỉ hưu), con trai của cụ từ Hà Nội bay vào, ngồi cùng với anh em báo giới và Lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM và một số lương y ở Sài Gòn, Đồng Nai tề tựu, thắp hương viếng và tưởng nhớ cụ.
Vào cái năm 2000 ấy, lúc gặp cụ, cảm nhận cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, đó là cách nói chuyện nhẩn nha và dí dỏm, rất thú vị của cụ với người ngồi hầu chuyện. Tôi, năm ấy chưa đầy 40 tuổi, ngồi với một cụ già mải mê nói chuyện thuốc và trị bệnh cứu người, lúc này đã 82 tuổi. Trên đường về sau buổi nói chuyện đầu tiên, cụ tiễn ra cửa và nói: “Tôi còn ở lại mấy ngày, lúc nào rỗi lại ghé chơi”. Vừa chạy xe, tôi vừa nhớ lại những đoạn cụ kể về thời kháng chiến, gian khổ tột cùng nhưng giọng vẫn nhẹ bâng và thỉnh thoảng lại chêm vào đôi tiếng cười hồn nhiên, sau mỗi lần đưa tay chỉnh lại mục kỉnh rất trịnh trọng. Tôi tự bật cười: “Ông già thú vị thật”.
|
Cụ kể về học vị tiến sĩ “độc đáo” mà cụ nhận được, là sau lần công trình nổi tiếng Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam dày hơn 2.000 trang xuất bản và lan tỏa ra nước ngoài, có thể nói không ngoa là một công trình khoa học to lớn đặt nền móng cho nền y học sử dụng thuốc nam đương đại ở nước ta. Ở trong bài báo của mình, tôi đã dẫn lại lời kể của cụ và cập nhật thêm bản tài liệu mà cụ giao cho, để viết đoạn sau đây: “Đánh giá về bộ sách này, một tập thể 4 nhà bác học Liên Xô đã cùng viết chung một bài báo dài khoảng 1 vạn từ với nhan đề Cây thuốc Việt Nam và vai trò của giáo sư Đỗ Tất Lợi trong việc nghiên cứu các cây thuốc đó đăng trên tạp chí Tài nguyên thực vật năm 1967. Trong bài báo này, các tác giả đã thống nhất nhận định: “Đỗ Tất Lợi là một trong những người hoạt động xuất sắc của nền y học khoa học hiện đại, người có khả năng bắc chiếc cầu giữa nền y học khoa học với một trong những nền y học hiện đại của châu Á - nền y học Việt Nam”. Ngày 31.5.1968, tại cuộc họp Hội đồng bác học của Viện Hóa dược Lêningrad, Giáo sư A.F. Hammerman, nhà bác học lão thành “bậc thầy của hầu hết các nhà dược liệu học toàn Liên bang Xô Viết", phát biểu: “Trước đây, y học dân gian chỉ được truyền miệng từ thầy sang trò, nay đã được biến thành sách để khỏi mất đi những điều đã tích lũy được từ hàng nghìn năm nay. Đó là công lao to lớn của Đỗ Tất Lợi không những đối với nhân dân Việt Nam mà cả đối với khoa học thế giới…”.
Vào đúng năm nhà dược học Đỗ Tất Lợi sắp bước qua 50 tuổi, với hơn 100 công trình khoa học lúc ấy đã công bố và ứng dụng hiệu quả trong vòng hơn 20 năm (từ 1946 đến 1968), ngày 30.5.1968, nhà khoa học y dược cổ truyền Đỗ Tất Lợi đã được Hội đồng khoa học Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô cấp bằng tiến sĩ khoa học lĩnh vực dược học, mà không cần phải làm thủ tục bảo vệ như thông lệ.
Neriolin, một giấc mơ dang dở
|
Với sự đồng cảm và háo hức điều cụ Lợi trăn trở thao thức, ngay sau khi nhận được tin lô thuốc gồm 40 ngàn viên nén được sản xuất thử nghiệm trở lại do công lao và sự phối hợp của GS-TS Đỗ Tất Lợi, các lương y của Hội Dược liệu TP.HCM và Trường đại học Y Dược, ngày 25.4.2001, tôi viết ngay một bản tin đăng trên báo Thanh Niên có hơi hướm khá… hồ hởi, nhưng cũng có tính thăm dò, tựa đề: “Sản xuất thử nghiệm 40 ngàn viên thuốc Neriolin trị bệnh suy tim chiết xuất từ lá trúc đào”. Nội dung bản tin như sau: “Đây là loại thuốc chữa bệnh tim đầu tiên được chế tạo từ lá trúc đào. Thuốc mang tên Neriolin, do khoa Dược, Đại học Y dược TP.HCM sản xuất, theo công thức bào chế của GS-TS Đỗ Tất Lợi, Chủ tịch Hội Dược liệu Việt Nam. Trong đợt đầu tiên, đã có 40.000 viên thuốc "ra lò". Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, cán bộ Chi hội Dược liệu TP.HCM cho biết nhiều công trình nghiên cứu khoa học và thử nghiệm lâm sàng cho thấy Neriolin có tác dụng tốt đối với các dạng bệnh suy tim”.
Sở dĩ tôi kể về tâm trạng của mình khi viết bản tin rất hồ hởi, là vì dường như tôi bị thuyết phục rất mạnh mẽ từ “ông già thú vị” Đỗ Tất Lợi. Ông không chỉ say mê với nghiên cứu của mình để cho ra đời loại thuốc này, mà còn rất cẩn trọng tỉ mỉ trong các hoạt động nghiên cứu lâm sàng trên người bệnh. Đây cũng là loại thuốc đã được sử dụng suốt 25 năm (từ năm 1960 cho đến 1985) đạt kết quả rất tốt, giúp cho rất nhiều người bệnh vượt qua được căn bệnh suy tim, tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ cho đất nước khi không phải nhập thuốc ngoại. Thậm chí, có thầy thuốc kiên trì sử dụng loại thuốc này từ công thức và chế biến của cụ Lợi để điều trị bệnh đã được tặng bằng khen, đó là bác sĩ Vũ Đình Hải vào năm 1967 đã được Ủy ban hành chính TP.Hải Phòng khen thưởng “vì đã có sáng kiến dùng chất Neriolin của cây trúc đào chữa bệnh suy tim đạt kết quả cao”, kèm với một giải thưởng rất lớn, căn cứ vào số tiền ngoại tệ tiết kiệm được do không phải nhập thuốc ngoại.
|
Trở lại quá khứ một chút, thời điểm dược sĩ Đỗ Tất Lợi loan báo cho đồng nghiệp và bạn bè loại thuốc Neriolin sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, đã thành công, là vào năm 1955. Từ việc chiết xuất hoạt chất Glycosid từ lá trúc đào (Nerium oleander), ông đã cho ra đời viên thuốc Neriolin. Chính cố giáo sư bác sĩ Đặng Văn Chung, một chuyên gia tim mạch hàng đầu của Việt Nam vào thời điểm đó, sau khi đọc thấy kết quả công trình được công bố trên Tạp chí Y học vào tháng 12.1955, đã lập tức bàn bạc với cụ Lợi và soạn thảo chương trình thử nghiệm lâm sàng, nhằm tìm ra phác đồ điều trị thích hợp.
Trong buổi gặp gỡ giữa hai chúng tôi vào tháng 8.2000, cụ Lợi cho biết: “Hồi đó, đề tài tốt nghiệp bác sĩ của ông Trịnh Xuân Giáp cũng từ công trình ứng dụng Neriolin lên bệnh nhân bị bệnh suy tim. Sự ứng dụng thành công Neriolin lên 37 bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai sau đó đã được công bố trên một tạp chí chuyên ngành của Pháp, đó là tờ Sientifique Francaise, tháng 1.1958, đã gây tiếng vang rất lớn trong đông đảo giới y học thế giới”.
Bây giờ mỗi khi lần giở lại trang bản thảo viết tay một bài báo viết dở trên loại giấy đen vào năm 2001, có tựa đề “Neriolin - loại thuốc điều trị suy tim cần được phục hồi”, tôi lại miên man suy nghĩ về những dòng chapeau mình đã đặt bút viết cách đây gần 20 năm: “Sau 25 năm được sản xuất và đưa vào ứng dụng điều trị, Neriolin-loại thuốc điều trị cho bệnh nhân bị suy tim bị “mất hút” trên thị trường y dược. Đến bây giờ, loại thuốc được chiết xuất từ là trúc đào này còn khiến cho giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi phải trải qua nhiều trăn trở, thao thức”. Tôi lại nghĩ, có lẽ vẫn có nhiều vị lương y nói riêng và người hành nghề y nói chung khi biết câu chuyện này, chắc vẫn trăn trở, như một sự “định vị ý nghĩ”, khó thể để trôi qua…
Vĩ thanh
Rốt cuộc cũng như câu nói của cụ Lợi mà tôi đã từng lấy làm đoạn kết của bài báo năm 2000, sau khi kể về cuộc đời vinh quang và cay đắng của cụ, mà bây giờ mỗi khi xem lại vẫn khiến tôi tâm niệm, suy ngẫm. “Dù sao thì mọi chuyện cũng đã qua”, GS-TS Đỗ Tất Lợi hồn hậu nói như thế về những gì ông đã trải.
Vâng, cuộc đời vẫn cứ thế trôi đi, như đã hơn mười năm kể từ ngày cụ về một nơi nào đó ở cõi thiên đường, nhưng mỗi khi ghé qua phòng khám Tuệ Lãn của Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, nhìn bức di ảnh của cụ trên bàn thờ, tôi lại nhớ đến cụ, hình dung rằng cụ vẫn ngồi đó, thỉnh thoảng lại đưa tay đổi mục kỉnh 2 chiếc đeo lủng lẳng trước ngực, và trong tâm khảm cứ nhớ về một con người với một cuộc đời mãnh liệt, rất mực tài hoa và hóm hỉnh.
Xin được kính cẩn tưởng nhớ về CỤ, với một chữ viết hoa bởi những gì GS-TS Đỗ Tất Lợi đã từng cống hiến cho nhân dân, đất nước và cho cuộc đời!
Tìm cây “mã lìn ón” từng cứu sống Bác HồMột lần, trong kháng chiến chống Pháp, bên bếp lửa nhà sàn Tuyên Quang, dược sĩ Đỗ Tất Lợi nghe ông Lê Quảng Ba, một nhà cách mạng lâu năm, kể lại: Bác Hồ thường căn dặn các cán bộ gần gũi Bác hễ đi đường trông thấy cây mã lìn ón thì phải hái cả lá, cắt cả dây, đào cả củ, phơi khô, mang theo trong ba lô. Bác nói, đó là một vị thuốc nam cực hay, từng cứu sống Bác trong những ngày tiền khởi nghĩa, khi Bác bị sốt cao, nằm mê man bất tỉnh trong gian lán nứa Nà Lừa giữa rừng xanh Tân Trào, bên cạnh chỉ có đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Đỗ Tất Lợi băn khoăn: Cái tên mã lìn ón nghe lạ tai quá! Chẳng biết có nghĩa lý gì không? Thế rồi một đêm ngồi uống rượu với ông ké người Tày, vị dược sĩ Tây học bèn đem điều băn khoăn kia ra hỏi ông. Ông giải thích: Mã lìn ón đọc theo âm Hán-Việt là mã liên an. Vừa nói ông vừa viết ba chữ Hán đơn giản kia ra gỗ lát nhà sàn.
Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có một vị tướng quân dũng mãnh ruổi ngựa qua rừng chẳng may lăn ra cảm sốt thập tử nhất sinh. Một ông lang miền ngược bèn lấy lá và củ một thứ cây gì đó ở giữa rừng sâu chữa cho vị tướng kia khỏi bệnh. Cảm ơn cứu mạng, vị tướng bèn đem biếu ông lang cả ngựa lẫn yên, tự mình hạ mã, cuốc bộ đi tiếp qua vùng rừng thẳm. Từ đấy cây thuốc “vô danh” nọ bỗng nhiên mang cái tên nghe rất “văn chương”: mã liên an (có nghĩa ngựa liền yên). Bà con miền núi đọc chệch đi theo giọng điạ phương thành ra... mã lìn ón!
Chẳng bao lâu sau, trên đường qua châu Tự Do (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày nay), Đỗ Tất Lợi được bà con vùng cao chỉ cho thấy tận mắt cây mã lìn ón. Thì ra đó chính là cây hà thủ ô nam, hay còn gọi là hà thủ ô trắng - một loại cây leo, thân và cành phớt đỏ, có nhiều lông; càng non càng lắm lông, già thì trở nên nhẵn thín. Trên khắp cả cây, ta bấm vào bất cứ đâu - thân, lá hay quả non - thì cũng thấy ứa ra một thứ nhựa trắng như sữa, nên cây còn có tên là dây sữa bò. Nào ngờ nó lại có tác dụng chữa cảm sốt hiệu nghiệm đến thế.
Sau này, trở về Hà Nội, có đủ sách báo và phòng thí nghiệm, ông xác định tên khoa học của loại cây nói trên là Streptocaulon juventas Lour. Cũng là thứ cây hà thủ ô trắng đó thôi, thế mà người Tày gọi là khâu cần cà, người Lào gọi khua mak tang ning, còn người Thái Lan thì lại gọi chừa ma sìn! Dễ nhầm lẫn lắm! Đỗ Tất Lợi phải ghi chép tỉ mỉ trong sách để tiện cho mọi người tra cứu...
(Theo tác giả Hàm Châu trong bài viết GS-TS Đỗ Tất Lợi - nhà dược học phương Đông lỗi lạc đăng trên Báo Nhân Dân ngày 17.9.2010)
|
Bình luận (0)