Bây giờ nhiều nhà trồng cà na Thái Lan nên có trái quanh năm. Tuy nhiên, theo tôi, chất lượng cà na Thái thua xa cà na truyền thống.
Nội tôi biết rất nhiều cách làm cà na như: ngâm muối, ngâm đường, ngào đường và các món nấu chung với cà na, nhưng tôi và các con thích nhất món cà na “dập” muối đường trộn ớt của nội. Đầu tiên, nội chọn những trái cà na no tròn, màu xanh đậm, đem rửa thật sạch rồi ngâm vào nước muối hột từ 15 - 20 phút. Sau đó, cà na được vớt ra rửa sạch bằng nước lạnh để làm bớt vị mặn của muối.
Tiếp theo, bỏ cà na vào những chiếc bao vải (còn gọi là bồng bột) dùng búa hay chày đâm tiêu đập cho cà na trong bao dập đi. Động tác này đòi hỏi kinh nghiệm vì nếu đập nhẹ cà na không dập, còn đập quá mạnh cà na sẽ nát ra trông không còn đẹp mắt. Kế tiếp, mang cà na đi rửa bằng nước lạnh nhiều lần để khử vị chát. Nội cho đường cát trắng, muối bọt, ớt xắt nhuyễn vào cà na trộn đều rồi để thêm từ 8 - 12 giờ là dùng được.
Cà na làm kiểu này tuy mất nhiều thời gian và công đoạn nhưng vô cùng hấp dẫn với đủ mùi vị: ngọt của đường, chát nhẹ của cà na, mặn mòi của muối, nồng cay của ớt. Cà na “dập” muối đường có thể bảo quản nhiều tháng nếu để vào ngăn mát tủ lạnh.
Lần nào về quê Long Thắng, cha con chúng tôi cũng được nội thết đãi nhiều món chế biến với cà na. Đến lúc tạm biệt để trở lại thành phố, cha con lại cùng nhau khệ nệ ôm về những hũ đựng cà na muối đường thơm ngon nội làm.
Bình luận (0)