Nhớ một thời rớt lên rớt xuống cây cầu khỉ

19/10/2022 15:00 GMT+7

Cầu khỉ là nét đặc trưng không thể lẫn vào đâu của miền đất đồng bằng sông Cửu Long. Hình ảnh con người đi qua chiếc cầu đong đưa, phía dưới là con nước, trên có tay vịn trông rất ngộ nghĩnh khiến cho người ta dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh những chú khỉ dùng tay làm điểm tựa để di chuyển. Vì thế, tên cầu khỉ mới ra đời.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, chiếc cầu khỉ đã trở nên gần gũi và rất đỗi thân thương. Cầu khỉ có thân cầu thường làm bằng cây tre hay cây gỗ nằm trên những thanh tre bắt chéo, phía trên có tay vịn. Nếu là dòng nước cạn, con rạch nhỏ, thân cầu khỉ gọn gàng nối bên này bên kia bằng vài ngọn tre, năm ba cây gáo, cây bần, cây cau, cây dừa, thêm một mớ dây mây rừng, dây choại là cây cầu khỉ đã có mặt bên dòng đời nơi thôn dã miền sông nước. Và cây cầu khỉ luôn có nhịp lẻ, một sự tinh tế của người nào phát minh ra nó. Lý do của cái nhịp cầu lẻ vì người đời muốn dành nhịp giữa ngay giữa dòng nước sâu cho ghe xuồng chở nặng tiện đường qua lại, nên cầu khỉ chia dòng sông làm hai phần đều nhau, mang lại cảm giác an toàn và che chở.

Chiếc cầu khỉ là ký ức gợi nhớ, gợi thương trong lòng những người xa xứ hình ảnh của quê hương, của tuổi thơ cơ cực nhưng tràn đầy niềm vui và thấm đậm ân tình

tgcc

Ngày ấy, miền Tây còn nghèo, cây cầu khỉ đã chung tình với mảnh đất quê hương, quen thuộc với người dân nông thôn, khi chân bước lên cầu khỉ mọi người dường như đã quen với “nhịp lắc”, và cái gập ghềnh ấy đã đi vào thơ ca. Thế nên mới có tiếng hát êm đềm của mẹ ru con: “Ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi. Con đi trường học, mẹ đi trường đời”. Trường học hay trường đời cũng đều gắn bó với cây cầu đơn sơ, mới chập chững bước lên là lại rớt lên rớt xuống. Đó là lý do vì sao mấy đứa trẻ chúng tôi cặp, sách luôn bỏ bọc nilon và cột chặt miệng. Có lỡ rớt tõm xuống sông Cửu Long, có ướt sũng như chuột thì vẫn cười hề hề, vẫn lên lớp học bài được, ngồi dăm tiết quần áo lại khô rang ấy mà.

Chiếc cầu khỉ đi qua cuộc đời của biết bao thế hệ, hòa vào trong những câu hát đưa nôi để những đứa trẻ thơ khôn lớn nên người, bao nhiêu đôi lứa yêu nhau được se tơ kết tóc… Chiếc cầu khỉ là ký ức gợi nhớ, gợi thương trong lòng những người xa xứ hình ảnh của quê hương, của tuổi thơ cơ cực nhưng tràn đầy niềm vui và thấm đậm ân tình. Cầu khỉ không chỉ đảm đương nhiệm vụ là một chiếc cầu nối cho người dân qua lại, mà trên tất cả nó còn có một sứ mệnh cao cả hơn đó là nối nhịp tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn” là có nhau.

Ngày xưa, mỗi lần có người quen ở Sài Gòn hay nơi nào đó phố thị xuống nhà chơi, ai cũng ớn cầu khỉ. Trong tâm niệm những người chỉ đi đường bằng, qua cầu bê tông thì đi trên cầu khỉ như là làm xiếc với sự hên xui. Cái cảnh người miền nước hai đầu nắm tay người ở phố đi qua cầu khỉ nghĩ lại mắc cười, hài hước lắm. Hai tay đã có người cầm, người kề rồi mà mắt cứ nhắm tịt, chân thì rờ rẫm từng bước một và miệng thì không ngừng la hét “từ từ, em rớt mất, em rớt mất anh Hai ơi”.

Ấy vậy mà đến lúc đi được, đi cứng rồi lại cứ suốt ngày đòi ra cầu khỉ chơi. Lúc nào “gõ dây thép” (gọi điện thoại bàn) xuống cũng đều nói nhớ miền Tây thì ít, mà nhớ mấy cây cầu khỉ thì nhiều. Nếu tinh ý một chút sẽ thấy cầu khỉ ngoài giá trị về giao thông, đi lại thì nó là sợi dây liên kết những con đường hai bên bị bờ sông, bờ rạch ngăn đôi. Ở đời người ta thường “có mới nới cũ” nên con cháu sinh sau, đẻ muộn chưa từng đi cầu khỉ đâu hiểu hết chuyện ngày xa xưa, đâu biết cầu khỉ có giá trị về vật chất lẫn tinh thần lớn thế nào. Thành thử câu chuyện làm quà về cầu khỉ chính là cách tốt nhất răn dạy về một thời nghèo đói nhưng nghĩa tình, khó khăn nhưng tử tế, thiếu thốn nhưng hào sảng của người miền Tây.

Sau bao nhiêu năm chen chân giữa dòng đời, ngỡ ra dáng quê sao mà thiêng liêng quá. Dáng quê chỉ là cách gọi của riêng tôi, ngẫm về quê, những hình ảnh từ quê lại thổn thức vọng về... Về nhà cậu chơi vào ngày nước kém, con rạch cạn trơ dòng, chỉ còn luồng lạch đủ cho mấy chiếc vỏ lãi chạy tung toé nước. Xa xa một khúc kinh lại có chiếc cầu khỉ chênh vênh, lắt lẻo. Nước ròng làm cho dáng cầu thêm gầy còm, trơ xương giữa cái nắng trưa gay gắt. Tự nhiên thấy thổn thức, năm nay nước lớn không về thì lấy đâu cá, lươn, chạch, ếch mà giăng câu, lấy đâu cá linh nấu bông điên điển, lấy đâu hạt phù sa bồi đắp cho thân lúa, lấy đâu đất mới đắp lên những thân hoa màu, thân cây ăn quả. Người miền nào sợ lũ chứ người miền Tây không sợ lũ, nước lớn hay nước ròng đều có giá trị hết, không có nước lớn, không có lũ thì làm sao gọi là miền Cửu Long sông nước được cơ chứ.

Bất giác tôi nhớ hình ảnh của thằng Tý thời niên thiếu bên bờ kênh ngã bảy. Chỉ chớp nhoáng đôi chân đã từ nhà chạy cái vèo ra tới giữa cầu, mẹ nó biểu đón xuồng hàng bông để mua mớ rau ăn kèm với cá phi chiên giòn chấm nước mắm ớt. Ra giữa cầu, ngồi đợi hàng bông, nó thòng hai chân đánh đu nhìn tụi thòi lòi rượt đuổi nhau… Thằng Tý làm tôi nhớ lại thời long nhong, thích ra ngồi giữa cầu đón mẹ chèo xuồng ngang qua mỗi khi tan phiên chợ sớm. Thích nhất là nhìn dáng mẹ buông mái chèo thấp thoáng xa xa, khi vừa tới giữa cầu là tôi nhảy xuống xuồng để giành trước phần quà ngon mẹ mua từ chợ.

Nhớ nhất là mùa hè bọn con nít tắm sông, chọn mô đất cao búng tròn người như tôm, điệu nghệ vô cùng. Và để chứng tỏ bản lĩnh đã trưởng thành, đứa nào cũng khoái chí đứng ngay nhịp giữa nhảy ùm xuống sông, đứa nào nhảy xa, lặn lâu nhất là ăn (thắng). Trong cuộc chơi lúc nào tôi cũng là người thua cuộc vì mình là con gái, làm sao có thể ăn thua lại mấy anh choai choai đang tuổi bẻ gẫy sừng trâu kia được.

Một cái thú nữa gắn với cầu khỉ là bọn con nít hay tranh nhau dỡ cầu cho ba chở lúa về nhà. Tôi lại khoái nhất câu chuyện cầu khỉ giết Tây của ngoại. Ngoại bỏm bẻm, vừa chẻ mớ hom tre vót đũa, vừa kể: Hồi đó, lúc đồn giặc đóng ở cầu số 3, tối đến thường có toán lính đi lùng sục khắp thôn xóm. Hôm bữa tụi lính băng qua cánh đồng ở cầu số 4 thẳng hướng Ngọn Tre. Nhìn toán lính đi xếp hàng dài thượt, qua cầu khỉ trước nhà bắc bằng cây cau già, cây cầu cứ oằn mình đánh võng. Bỗng nghe tiếng rắc, rắc! Ầm một cái, 4 thằng lính Mỹ loi ngoi dưới sông. Nó kêu cứu: heo! heo! (help) vang cả góc trời. Tụi trên bờ luýnh quýnh đạp xuồng ra cứu, tính ra những cây cầu khỉ cũng yêu nước ra phết đấy.

Hay là những lần có ghe lớn chở lúa, vịt chạy đồng… đi qua là tụi tôi lại tranh nhau chạy nhanh ra dỡ cầu, cốt là để được người chủ ghe khen một tiếng “nhỏ này con cái nhà ai sao ngoan thế”, chỉ bấy nhiêu thôi mà cảm thấy sướng rơn. Ba mẹ lúc nào cũng dạy cặp chữ “dạ”, “thưa” khi nói chuyện với người lớn, trẻ con miền Tây lúc nào cũng ghi nhớ và thực hiện răm rắp. Không hẳn mấy đứa sợ bị đánh giá mình ít học, cái chính chúng tôi sợ mình mất chất, sợ ai đó nói quở “người miền Tây mà vầy đây sao?!” thì thật là buồn lòng.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại, cầu khỉ ở miền Tây Nam bộ dần được thay đổi và “biến hóa” thành những cây cầu bằng ván, xi măng chắc chắn và rộng hơn. Xã hội ngày càng phát triển, chiếc cầu khỉ dần đánh mất giá trị, sau này chắc ít ai còn có cơ hội bước lên chiếc lưng trần của cây cầu khỉ để nhớ rằng nó đã nối đôi bờ vui, nối những mối quan hệ, nối tương lai của bao con người.

Tuy nhiên, ở những làng quê, các cù lao, miệt vườn miền Tây thì cây cầu khỉ vẫn còn tồn tại. Về sâu trong từng ngõ, ngách, thôn, xóm, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó vài chiếc cầu khỉ vươn mình nối nhịp cho bà con đi lại. Có thể nói, chiếc cầu khỉ như là một biểu tượng cho vùng đất và con người miền Tây mộc mạc nhưng ấm áp, nghĩa tình, vẫn mãi in sâu trong ký ức người dân nơi đây một thời gian khó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.