Bao đời nay, cây nhãn không chỉ đi vào thơ ca, gắn bó tuổi thơ của những đứa trẻ, mà còn in hằn trong tâm thức của những kẻ xa quê. Và tôi cũng không ngoại lệ, bao nhiêu năm, vẫn không quên được những kỷ niệm ngọt ngào khi mùa nhãn chín về…
|
Thông thường, đến thời điểm này của năm, ở quê nhà nào trồng nhãn đã có thể thấy trái chín đầu mùa, ngào ngạt hương thơm khi có gió lùa qua. Ban ngày, các chú chim kéo đến ríu rít không thôi trên cành. Đêm đến, những chú dơi xấu xí không bỏ qua cơ hội lao vào thưởng thức thỏa thích nếu nhà nào không bao bảo vệ trái. Đến sáng hôm sau, dưới gốc nhãn là một “bãi chiến trường” của bữa tiệc nhãn no nê của chúng. Hồi ấy, sáng nào phát hiện nhãn bị dơi ăn là chị tôi cũng vừa quét dọn vừa lầm bầm chửi rủa vì sự không biết thương người trồng cây của chúng. Chị bảo rằng có ăn thì cũng ít ít thôi, chứ sao mà ăn sạch những trái chín như vậy. Chị tôi chăm bón, che chắn và lo lắng cho cho những chùm nhãn từ lúc ra hoa đến lúc chín mọng chẳng khác gì những bà mẹ luôn dõi theo từng ngày lớn khôn của đứa trẻ. Thấy chùm nhãn nào sắp già là chị liền mua thêm lồng rồi bắt anh tôi leo lên bịch vào cho chim, dơi khỏi ăn, cắn phá.
Tôi còn nhớ, cứ mỗi mùa nhãn chín đến, làng quê yên ắng của tôi lại nhộn nhịp hẳn, tấp nập kẻ ra người vào chở nhãn ra thành thị tiêu thụ. Tiếng bô xe nổ giòn tan, âm ỉ vang cả xóm. Tiếng cười nói rôm rả. Thanh niên trai tráng thì trèo cây hái trái rồi vát vào nhà. Phụ nữ thì phân chia loại nhãn rồi định giá tình tiền với thương lái. Còn trẻ con chúng tôi thì lăng xăng tỉa nhánh thừa, lặt bớt lá dư hay nhẹ nhàng cho nhãn vào giỏ rồi lấy lá phủ lên bề mặt để giúp trái không bị dập trong quá trình vận chuyển. Khi xong việc, đám trẻ lại túm tụm ngồi bệt tựa dưới gốc nhãn, mỗi đứa được thưởng một chùm mà ăn thỏa thích khiến gốc nhãn lại bóng nhẵn lên sau mỗi mùa trái chín.
Cứ mỗi mùa nhãn, thương lái vào cũng vài lần, theo từng đợt chín của trái trên cành. Sau mỗi đợt như vậy, những trái nhãn rơi rụng không được thương lái mua giá cao, chị tôi thường mang vào làm long nhãn để dành ăn dần. Nên cứ hôm nào nắng nóng tí là chị mang long nhãn ra làm chè cùng với hạt sen thết đãi cả nhà ăn cho mát lòng. Khi nhà có người bệnh, chị lại mang long nhãn hầm với gà bồi bổ.
|
Rồi không biết chị nghe ai ở đâu bày dùng hạt nhãn đem rửa sạch, phơi khô, tán thành bột mịn dùng gội đầu cho mượt tóc. Gội đầu từ nước pha bột hạt nhãn mà cứ như được gội với dầu gội tuyệt hảo vậy, đứa nào đứa nấy sướng rơn…
Sau này, xa quê lên Sài Gòn rồi ở lại mưu sinh. Lâu lâu, đến mùa nhãn chị lại từ quê xách một giỏ đầy nhãn lên cho. Giỏ nhãn tuy nhỏ nhưng chất chứa tình cảm lớn không đong được. Chị còn căn dặn kỹ cách chọn được nhãn tốt nếu muốn mua ở chợ. Rằng nên mua nhãn còn lá tươi, cuống xanh và tỏa hương thơm dễ chịu, tránh mua nhãn có vỏ sáng sạch, đã rụng cành, càng không nên mua nhãn quả quá to, vỏ mỏng, cho vị nhạt và không thơm. Chị khẳng định nhiều khả năng đó là nhãn chất lượng kém có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc nhãn được tẩm thuốc bảo quản hay ngâm thuốc tăng trưởng, ăn vào rất có hại cho sức khỏe.
Thế đấy, kỷ niệm đong đầy nên cứ đến mùa nhãn, lòng tôi lại xốn xang, nghe cay cay ở sóng mũi, nhớ thương hương nhãn ngọt ngào, nhớ chị tôi, cả những con người nơi làng quê chan hòa và chân chất…
Cẩm Nhi
Bình luận (0)