TNO

Nhớ mùa 'si-rô' ngày nào

09/01/2014 16:04 GMT+7

Cái tên “quả si-rô” gợi ngay cảm giác lạ lạ. Tên gọi này được ra đời dựa vào đặc điểm của thành phẩm: một dung dịch sánh, màu đỏ tươi, chua chua, ngọt ngọt hệt như các loại si-rô hấp dẫn thường được bày bán.

Cái tên “quả si-rô” gợi ngay cảm giác lạ lạ. Tên gọi này được ra đời dựa vào đặc điểm của thành phẩm: một dung dịch sánh, màu đỏ tươi, chua chua, ngọt ngọt hệt như các loại si-rô hấp dẫn thường được bày bán.

>> Thịt muối của mẹ ngày bão rớt
>> Cơm vắt của những ngày khốn khó

 Nhớ mùa 'si-rô' ngày nào 1
Trái “si-rô” trông giống một bông hoa màu đỏ với đầy đủ đài hoa, cánh hoa, nhị hoa - Ảnh: Đinh Nga

“Si-rô” thực chất là quả hồng hoa, dân gian quen gọi là quả chua. Loại cây này rất dễ mọc. Chỉ cần rắc ít hạt khi vào đầu mùa mưa, rồi cứ mặc kệ cho nó nảy mầm, lớn lên. Đôi khi cũng thấy bất công cho loại cây này, bởi nó gần như bị lãng quên, chỉ khi nào gia chủ cần vị chua cho nồi canh mới nhớ đến nó.

Cây cũng rất vô tư, cứ thản nhiên mà lớn dựa vào mưa của trời, chất dinh dưỡng từ đất. Đến hẹn lại đơm những cánh hoa màu vàng nhạt, mong manh. Hoa tàn, trái lớn dần cũng là độ cuối mùa mưa, đầu mùa khô. Người ta hái trái rồi bỏ mặc cho cây tự tàn lụi. Đến đầu mùa khô sang năm, những hạt ngủ yên trong đất lại nảy mầm lặng lẽ.

Trái “si-rô” trông giống một bông hoa màu đỏ với đầy đủ đài hoa, cánh hoa, nhị hoa. Phần “nhị hoa” chứa hạt cứng nên ít không được sử dụng. Chỉ có phần cánh hoa đỏ au mới  được dùng chế biến các món ăn. Món được biết đến nhiều nhất là mứt hoa hồng ở Đà Lạt.

Nhớ mùa 'si-rô' ngày nào 2
Trái "si-rô" được ngâm làm nước giải khát 

Cây “si-rô” gắn với ký ức của tôi từ thuở nhỏ. Trong xóm tôi, nhà nào cũng có vài cây để dành nấu canh chua. Trái “si-rô” được chúng tôi rất ưu ái vì có thể chế biến được nhiều món ăn dựa trên trí tưởng tượng vô hạn của tuổi thơ. Khi các món ăn trong trò chơi đồ hàng bày ra, chúng tôi thưởng thức bằng cách bẻ “cánh hoa”, nhai rốp rốp trong miệng rồi cười nắc nẻ. Vị chua ngấm tận chân răng. Ăn xong, cả bọn lại thi nhau thè lưỡi xem lưỡi đứa nào đỏ hơn.

Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng chuộng trái “si-rô”. Không phải để ăn mà là để ngâm làm nước giải khát. Quả “si-rô” được bóc lấy cánh, bỏ hạt rồi rửa sạch, vẩy thật khô nước. Sau đó, phần cánh được xếp vào hũ. Cứ một lớp cánh “si-rô” thì cho một lớp đường. Để khoảng độ một tuần cho đường và cánh hoa chảy nước thành một dung dịch đỏ tươi là có thể dùng được.

Nước “si-rô” thường được mẹ để dành đến vài tháng. Lúc ấy là mùa khô. Trời hanh hao, nhiều nắng gió. Mẹ múc một lượng “si-rô” vừa ăn, cho thêm nước, đá cho lạnh, chua, ngọt vừa miệng. Chúng tôi đi học về, chỉ cần được một ly nước như thế là thấy khỏe ngay.

Mùa “si-rô” thường rất ngắn, chỉ độ vài tuần. Cứ đến hẹn hàng năm, những thúng quả đỏ rực rỡ lại được bày bán rất nhiều ở các chợ. Mua “si-rô” cũng không cần lựa bởi quả rất hiếm khi bị sâu hay hư. Chỉ cần tấp xe bên vệ đường rồi bảo cô bán hàng cân cho vài ký. Người bán cũng nhanh mà người mua cũng nhanh như thể sợ không kịp thì sẽ hết mùa mất.

Đinh Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.