Nhớ mùa xuồng năm quăng

13/10/2014 09:39 GMT+7

Mùa nước nổi năm nay, làng xuồng “năm quăng” ở thị trấn Cái Tắc (H.Châu Thành A, Hậu Giang) không còn cảnh kẻ mua, người bán nhộn nhịp như những năm trước.

Nhớ mùa xuồng năm quăng
Chị Loan là người hiếm hoi ở Cái Tắc còn đóng xuồng năm quăng

Theo người dân làng xuồng, sở dĩ có tên gọi “năm quăng” là do xuồng làm bằng loại cây rẻ tiền, xài giáp năm là quăng, phù hợp cho bà con cắm câu, đặt lờ, hái bông điển điển… mưu sinh trong mùa nước nổi.  Ông Dương Văn Lạc (Hai Lạc, 60 tuổi), người sáng chế ra chiếc xuồng năm quăng, nhớ lại: “Sau ngày 30.4.1975, tôi về đây mở xưởng đóng xuồng ghe. Thấy bà con mình nghèo quá, không có tiền mua xuồng bằng cây sao, cây dầu nên tui lấy cây tạp đóng thử. Ai dè bà con hưởng ứng quá trời! Người dân xung quanh thấy vậy cũng đóng theo nên hình thành luôn làng xuồng năm quăng”. Hằng năm, cứ vào tháng 6 - 7 âm lịch, làng xuồng năm quăng ở Cái Tắc nhộn nhịp suốt ngày. Tiếng máy cưa xả cây, tiếng búa đóng đinh, tiếng thợ cười nói rộn ràng… Thương lái đến coi xuồng, trả giá rồi chở đi bán khắp nơi. Xuồng năm quăng Cái Tắc không chỉ được tiêu thụ ở Hậu Giang mà thương lái từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… cũng đến đặt mua. Theo ông Hai Lạc, những năm hết mùa nước, ông bán hơn ngàn chiếc xuồng năm quăng là chuyện thường.

Tuy nhiên, đó chỉ còn là chuyện của nhiều năm trước. Năm nay, dù đã vô mùa nước nổi nhưng đi khắp làng xuồng năm quăng chỉ gặp cảnh đìu hiu. Ở Cái Tắc giờ chẳng còn bao nhiêu hộ đóng xuồng năm quăng nữa. Một số hộ theo nghề nhưng chủ yếu đóng các loại ghe, xuồng bằng gỗ tốt, bán giá cao. Ngay như ông Hai Lạc cũng bỏ nghề đóng xuồng năm quăng đã gắn bó mấy chục năm, chỉ đi đếm xuồng bán lại. Chỉ tay vào những chiếc xuồng năm quăng đang chất trong góc nhà, ông nói: “Bán ế lắm! Không ai mua. Từ đầu mùa tới giờ, tôi bán chưa tới 50 chục chiếc”.

Chúng tôi tìm đến nhà của vợ chồng anh chị Trần Văn Út, Nguyễn Thị Loan, gia đình hiếm hoi ở thị trấn còn duy trì nghề này. Chị Loan cho biết gia đình đóng xuồng năm quăng đã 15 năm nay nhưng thời gian gần đây gặp không ít khó khăn. Trước đây, chị thuê 2 thợ phụ đóng xuồng nhưng nay đã cho nghỉ, chỉ còn 2 vợ chồng tự làm lấy công làm lời. Từ đầu con nước tới nay, lượng xuồng vợ chồng chị Loan bán ra đã giảm hơn phân nửa mặc dù giá đếm cho mối chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng/chiếc, không tăng nhiều so với năm trước.

Theo ông Hai Lạc, nghề làm xuồng năm quăng ở Cái Tắc mai một chủ yếu là do người đóng xuồng khó tìm nguồn nguyên liệu, các loại cây tạp như xoài, mù u, gáo… ngày càng ít đi, trong khi giá các loại dầu trong, dầu chai để trét xuồng cũng tăng lên. Thêm vào đó, do chủ trương đắp đê nên mùa nước nổi không còn “đẹp” như xưa, số lượng người dân kiếm sống trong mùa này đã giảm đi đáng kể. Ngoài ra, đường sá giờ khang trang, việc di chuyển bằng xe gắn máy thuận tiện; đời sống của bà con cũng khá hơn trước nên có mua cũng chọn các loại xuồng giá cao và bền hơn. Khoảng 3 năm nay, ông đã chuyển sang làm xuồng composite để phù hợp với nhu cầu thị trường. “Dù rất nhớ nghề cũ nhưng xuồng năm quăng đóng ra rất khó tiêu thụ. Những mùa nước nổi sau, không biết còn được bao nhiêu người ở Cái Tắc tiếp tục đóng xuồng năm quăng”, ông Hai Lạc nói.

Bài, ảnh: Bách Hợp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.