Phạm Văn Dự, 24 tuổi, quê ở Thái Nguyên đang làm việc ở Hà Nội chia sẻ anh không thể nào quên được hương cây ngò rí những ngày giáp tết.
“Ở ngoài Bắc, thời điểm cận tết rét lắm. Những ngày cuối năm đi chợ, mẹ tôi lúc nào cũng mua vài bó ngò rí để sẵn trong nhà. Chiều 30 tết, mẹ sẽ nấu một nồi lớn nước ngò rí để các thành viên trong nhà tắm gội, rửa trôi đi những muộn phiền, xui xẻo của năm cũ, chào đón một năm mới thơm tho. Mùi ngò thơm đặc biệt lắm, ngan ngát, sảng khoái. Tôi không thể nào quên sáng mùng 1 tung chăn dậy, rửa mặt bằng nước ngò rí ấm nóng thì khoan khoái vô cùng”, Dự kể lại.
Chị Thái Ngọc Văn, 42 tuổi, lấy chồng và định cư ở Mỹ 16 năm nay, cho chúng tôi hay chị nhớ mùi ngai ngái của củ kiệu mà mẹ chị và những người phụ nữ khắp xóm thường quây quần làm trong những ngày Sài Gòn giáp tết.
“Ngày tôi còn nhỏ, từ 15, 16 tháng chạp là nhà nhà làm kiệu muối, tôi cũng lăng xăng cắt rễ, bóc vỏ, phơi kiệu với má và các chị. Ở Mỹ cái gì cũng có, củ kiệu muối chua ngọt sẵn sàng trong những chiếc hộp lớn, nhỏ, mua bao nhiêu cũng có, nhưng không khí tết thì lại lạc đâu mất rồi”, chị Văn chia sẻ.
tin liên quan
Tết không mua được bằng tiềnAnh T. năm nay 35 tuổi nói với tôi, tuy cuộc sống hôm nay đủ đầy, nhưng anh vẫn chưa thể nào quên hương vị của chiếc bánh chưng “tí hon” mà bố gói. Bánh vừa nóng hổi, vừa béo, vừa ngon không thể tả...
Tết Nguyên đán có nhạt vị đi không, tôi cho rằng không hề, người lớn hay trẻ nhỏ đều mong đến tết. Trẻ con yêu tết bởi được sống cùng áo mới, lì xì, bánh trái; người lớn nhớ tết bởi được sống lại những hoài niệm, ước vọng cho hôm nay và mai sau.
Mỗi người sẽ có một hương vị đặc trưng ngày tết, nhưng tựu trung lại, đó đều là mùi của đoàn viên và hạnh phúc.
Bình luận (0)