Chị Nguyễn Hương Thi, 28 tuổi, quê ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh lấy chồng ở huyện Hưng Hà, Thái Bình (hai vợ chồng chị đang sinh sống ở Hà Nội) cho biết 3 năm đi lấy chồng là 3 năm chị tủi thân trong những ngày giáp tết.
“Đi đến đâu mọi người cũng hỏi tôi, tết này ở đâu? Tôi chỉ biết cười buồn: ở quê chồng ạ. Bố mẹ đẻ thì hiểu cảnh tôi là con dâu trưởng, quán xuyến mọi việc trong gia đình chồng nên không dám hỏi nhiều sợ tôi buồn", chị Thi chia sẻ.
Làm công chức nhà nước, chị Thi được nghỉ khoảng 7 ngày. “28 tháng chạp thì cả nhà khăn gói về quê nội. Đón tết hết mùng 3, đến mùng 4 âm lịch lại bồng bế con ra thăm bố mẹ đẻ tôi ở Quảng Ninh một chút, rồi lại trở lại Hà Nội, bắt đầu một năm mưu sinh bận rộn. Tôi chỉ ước, giá như kỳ nghỉ tết kéo dài thêm vài ngày, để được ở lâu với bố mẹ hơn”, chị Thi bộc bạch.
tin liên quan
Tết không mua được bằng tiềnKhông lấy chồng xa như chị Thi, nhà chồng cách nhà bố mẹ đẻ chỉ 12 km, tuy nhiên chị Vũ Thanh Huyền, 29 tuổi, giáo viên tiểu học tại huyện Tiên Lữ, Hưng Yên cũng có nỗi khổ riêng khi 4 năm nay, chị chưa được đón giao thừa bên bố mẹ ruột và cậu em trai.
“Bạn bè ghen tị với tôi, nói rằng tôi lấy chồng gần, chạy qua chạy lại đôi bên thì có khó gì. Nhưng mẹ chồng tôi muốn những ngày tết, dâu con trong nhà phải quán xuyến mọi việc, đi chúc tết, tảo mộ bên nội, làm cơm đãi khách, không còn thời gian dành cho nhà ngoại nữa”, chị Huyền giãi bày.
Chị Huyền cười buồn: “Tôi xem những video quảng cáo trước tết, người chồng tâm lý để vợ con có thể vừa ăn tết bên ngoại và bên nội thì mong ước vô cùng, giá như chồng mình có thể tâm lý như thế…”.
"Tết là lúc tôi gắn bó với gian bếp và những núi bát đĩa"
Chị Hoàng Thiên Thảo, 41 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho hay tết này cả gia đình chị sẽ về đón tết cùng bố mẹ chồng đang sinh sống tại Đà Nẵng. Từ 26 tết, vợ chồng chị và hai con sẽ ra sân bay, sau đó, ngày 6 âm lịch mới trở lại TP.HCM.
|
“Gia đình chồng tôi rất đông con cháu, anh em, bạn bè. Những ngày tết, ba mẹ chồng tôi hiếu khách, luôn thích mở tiệc để mời khách khứa đến ăn. Những ngày tết của tôi trôi qua rất mau trong gian bếp và những núi bát đĩa. Sáng ăn cơm, trưa mời khách, tối đãi bạn bè. Tôi rất oải mà không thể than vãn với ai”, chị Thảo kể.
Người phụ nữ đang làm kế toán cho một công ty tại Q.1, TP.HCM tâm sự, cô chỉ ước ao, có một cái tết nào đó tránh xa những buổi tiệc tùng, ăn uống, để được sum họp với các anh trai và mẹ ruột của mình, được ngủ nướng lâu hơn một chút, được nhõng nhẽo mẹ nấu cho những món ăn mình thích từ thời thơ ấu.
“Các con tôi rất mong đến tết, vì chúng được lì xì, được nghỉ học, tung tăng đi chơi. Tôi cũng ước trở về ngày mình còn nhỏ, vô lo vô nghĩ, cái gì cũng có mẹ và các anh trai bênh vực. Càng lớn lên, hình như người ta càng phải cô đơn hơn”, chị Thảo buồn bã.
tin liên quan
Tết này bạn có về quê?: Giá lạnh nước Mỹ càng làm tôi nhớ tết Việt NamTuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ tích cực hơn, chị Nguyễn Kim Ngân, 32 tuổi, quê ở Hải Phòng, lấy chồng TP.HCM và đang sinh sống cùng bố mẹ chồng, “chị em phụ nữ có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình với chồng và mong được sẻ chia. Nếu nhiều cái tết ở bên nội, có thể một hai tết cả nhà sẽ đoàn tụ bên ngoại”, chị Ngân đưa ra lời khuyên.
“Tết, thật sự là khoảng thời gian vui và ý nghĩa nhất nếu tất cả mọi người đều vui và hạnh phúc. Sẽ không hay chút nào nếu chị em giữ những nỗi buồn trong lòng, sẽ có những thời điểm không khí gia đình căng thẳng, những điều ta từng kiềm chế sẽ bùng nổ thành các cuộc cãi vã rất nguy hiểm”, chị Ngân phân tích.
Xuất phát từ hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, mỗi người đón tết theo cách riêng của mình, còn bạn, tết này bạn về quê hay có dự định khác? Hãy gửi những chia sẻ, bài viết cho chúng tôi về địa chỉ tngd@thanhnien.com.vn. Bài viết được biên tập và đăng trên Báo Thanh Niên sẽ có nhuân bút. Xin trân trọng cảm ơn!
|
Bình luận (0)