‘Nhờ’ ngân hàng khấu trừ thuế dịch vụ xuyên biên giới

14/12/2017 06:01 GMT+7

Cục Thuế TP.HCM vừa có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng thương mại khi thanh toán chuyển tiền ra nước ngoài đối với các dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, có nghĩa vụ khấu trừ thuế nhà thầu để nộp vào ngân sách.

Gần 31.000 người mua quảng cáo Google, Facebook
Qua xác minh của Cục Thuế TP.HCM, các tổ chức, cá nhân trong nước mua quảng cáo trên các trang mạng Google và Facebook thông qua thẻ tín dụng quốc tế Visa, MasterCard, JCB, Amexx... khá cao. Cụ thể tại ngân hàng S. trong năm 2016 có tới 15.088 tổ chức, cá nhân mua dịch vụ của Google với 248.396 giao dịch, số tiền thanh toán 222,4 tỉ đồng; 15.637 tổ chức, cá nhân trong nước mua dịch vụ quảng cáo của Facebook với 175.391 giao dịch, tổng số tiền thanh toán là 450,4 tỉ đồng.
Ngoài dịch vụ quảng cáo trên Google, Facebook, hiện nay còn nhiều dịch vụ xuyên biên giới khác như dịch vụ đặt phòng trực tuyến, xem phim trực tuyến Netflix, mua các dịch vụ của Apple... Từ đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã có công văn thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp công ty có trụ sở tại nước ngoài kinh doanh đặt phòng tại VN theo hình thức trực tuyến như Agoda, Traveloka.com, Booking.com, Expedia.com... trên doanh thu hoa hồng được hưởng. Các đơn vị lưu trú trong nước có trách nhiệm khai, nộp thuế thay cho các đơn vị nước ngoài.

Theo quy định thì các tổ chức, cá nhân này phải thực hiện nộp thuế nhà thầu khi thanh toán tiền cho Google và Facebook nhưng hiện hầu hết không thực hiện. Việc nắm được đầu mối qua các ngân hàng (NH) là hết sức quan trọng để truy thu thuế. Nhưng nếu chỉ mình cơ quan thế thực hiện việc liên hệ, mời lên xử lý thì không xuể, không hiệu quả.
Vì thế, sau 5 tháng thực hiện triển khai chuyên đề quản lý thuế thương mại điện tử, Cục Thuế TP.HCM đã kiến nghị NH Nhà nước quy định các NH khi thanh toán chuyển tiền ra nước ngoài cho các tổ chức có nghĩa vụ khấu trừ thuế nhà thầu để nộp vào ngân sách nhà nước. Trước đó, tại dự thảo sửa đổi luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính cũng có kiến nghị NH Nhà nước cần phối hợp nghiên cứu để thực hiện giải pháp về thanh toán. Cụ thể, yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa (thông qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia - Trung tâm Napas của NH Nhà nước). Từ đó cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.
Hiệu quả nhưng khó thực hiện
Các chuyên gia đều cho rằng, "nhờ" NH khấu trừ tại nguồn là giải pháp khả thi nhất nhưng rủi ro cho các NH.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh: Kiến nghị của Cục Thuế TP.HCM thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn chi trả là một trong những giải pháp hiệu quả nhưng việc thực thi không phải dễ. Bởi khi NH thực hiện trừ tiền tài khoản khách hàng phải có sự đồng ý của khách hàng dựa trên hợp đồng ký kết 2 bên, hoặc NH thực hiện trừ khi một số cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật đề nghị. Còn việc NH phát hiện tài khoản cá nhân thanh toán cho đối tác nước ngoài mà tự động thực hiện khấu trừ tiền thuế là không được. NH chỉ có nhiệm vụ báo cáo cơ quan chức năng về những giao dịch, còn việc thực thi thu thuế là của cơ quan thuế. NH không có quyền yêu cầu khách hàng nộp thuế khi thực hiện thanh toán dịch vụ cho đối tác nước ngoài nếu khách hàng không tự nguyện.
Đồng ý kiến nghị này là cần thiết trong bối cảnh khó thu thuế xuyên biên giới như hiện nay, luật sư Bùi Quang Tín cho rằng có thể điều chỉnh bổ sung các cơ sở pháp lý. Đồng thời cơ quan thuế phải cập nhật tài khoản nhận tiền của Google, Facebook... cho phía NH để có thể thực hiện khấu trừ thuế đối với khách hàng thực hiện thanh toán.

tin liên quan

Yêu cầu Facebook, Google mở đại diện tại Việt Nam để 'truy' thuế
Sau quy định Facebook, Google phải đặt máy chủ tại VN trong dự thảo luật An toàn thông tin mạng, dự thảo xây dựng luật Quản lý thuế (sửa đổi) của Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, internet phải mở văn phòng đại diện chính thức tại VN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.