Nhà văn Trần Trung Sáng, người tổ chức bản thảo, cho biết đây là tập sách chân dung mỹ thuật, viết về họa sĩ - nhà điêu khắc Nguyễn Phan do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 11.2024. Gia đình và con trai của ông là kiến trúc sư Phan Trường Sơn tổ chức thực hiện. Cuốn sách dày hơn 160 trang (khổ 25 x 25 cm), gồm nhiều bài viết tham gia của nhà văn Cung Tích Biền, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, nhà nghiên cứu Gérard Chapuis (Pháp); các họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Hoàng Đặng, Duy Ninh, Nguyễn Thượng Hỷ, Nguyễn Trung Kỳ, Thân Trọng Dũng…
Họa sĩ Nguyễn Phan tên thật là Phan Ngọc Nam (sinh năm 1940, tại làng Thần Phù, nay là P.Thủy Châu, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). Từ năm 1965, ông đã có tranh sơn dầu đoạt HCB ở Triển lãm quốc tế Roma (Ý). Sau năm 1975, bên cạnh các cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước tại TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Hàn Quốc…, ông còn là tác giả thiết kế quy hoạch xây dựng, điêu khắc các tượng đài Vĩnh Trinh, tượng đài Cây Cốc, công viên 29.3, quy hoạch công viên và nhóm tượng trong khuôn viên nhà máy dệt 29.3, nhà lưu niệm Phan Châu Trinh…
Theo giới chuyên môn, đây là dấu ấn khá khác biệt của họa sĩ Nguyễn Phan, bởi khi thực hiện một tổ hợp công trình tượng đài, phần lớn họa sĩ, nhà điêu khắc cùng thời với ông cần có kiến trúc sư hỗ trợ quy hoạch tổng mặt bằng.
Họa sĩ Thân Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.Đà Nẵng, đánh giá: "Những đóng góp của họa sĩ Nguyễn Phan đối với hoạt động mỹ thuật cả nước và Đà Nẵng là rất đáng trân trọng. Tôi mong muốn, Quảng Nam và Đà Nẵng có những ghi nhận, tôn vinh chính đáng vai trò, vị trí của cố họa sĩ, nhất là sưu tập, bảo tồn tác phẩm của ông để lưu dành cho thế hệ sau".
Bình luận (0)