Con hổ trong bài thơ ấy nhớ rừng là nhớ về quê nhà mình, nhớ về “thiên đường của loài hổ” với những tâm trạng bức bối khi phải nằm trong cũi sắt. Còn tôi, đột nhiên nỗi nhớ rừng trỗi dậy khi nhận được tin nhắn điện thoại của một người bạn cũ, một người kháng chiến cũ.
Chúng tôi đã có những tháng năm sống ở rừng chiến khu với nhau.
Tin nhắn này gửi tới tôi từ nước Úc xa xôi: “Nhớ mưa rừng. Nhớ khoai mì rừng… nhớ lắm bạn ơi!”. Tôi chắc, nước Úc không hề thiếu rừng. Bạn tôi có thể thoải mái vào chơi trong các khu rừng nước Úc được bảo vệ và chăm sóc khá chuẩn. Nhưng “rừng” mà bạn tôi nhớ đây là “rừng chiến khu”. Nó có thể là những khu rừng già ở Campuchia. Nó có thể là những khu rừng bị bom B52 tàn phá ở Tây Ninh, bên cạnh con sông Vàm Cỏ Đông. Nó có thể… Bạn tôi nhớ rừng, là nhớ về một thời mình ở rừng. Những khu rừng ở đâu không quan trọng bằng nỗi nhớ rừng, một nỗi nhớ nhiều khi miên man, nhiều khi đứt nối, nhiều khi bất chợt, nhiều khi không định vị.
Bạn tôi, nhà văn Lưu Kiểng Xuân, thời chiến tranh chống Mỹ là một học sinh quê Cần Đước, đăng lính lái máy bay. Anh Xuân chuyên lái trực thăng tải thương, đã từng nhiều lần hạ cánh ở thị xã Quảng Ngãi quê tôi để chở thương binh Sài Gòn từ mặt trận về Bệnh viện Quảng Ngãi. Từ chỗ là phi công trực thăng, trải qua những điều mắt thấy tai nghe khi tải thương, hiểu về số phận đau khổ của người lính Sài Gòn khi bị thương, Lưu Kiểng Xuân đã thành người Việt Cộng lúc nào không biết. Anh hoạt động cho cách mạng trong nội thành, rồi sau Mậu Thân 1968, lên chiến khu, trở thành nhà báo chuyên viết cho cơ quan tuyên truyền binh vận.
Tôi gặp Lưu Kiểng Xuân khi vượt Trường Sơn về tới T.Ư Cục (bí danh là R, tức là Rừng) và được phân công về công tác tại B6 - Tiểu ban tuyên truyền Binh vận thuộc Ban Binh vận R. Gặp nhau, tôi với Tư Xuân đã thân nhau ngay. Một anh là phi công quân đội Sài Gòn, một cậu là “lính trẻ” tuyên truyền binh vận từ Hà Nội vô, vậy mà chơi với nhau ngay, thân nhau ngay. Chẳng có gì lạ, vì giữa chúng tôi là những câu chuyện về lưu dân Nam bộ. Giữa chúng tôi là những đêm nấu ấm trà ngồi trò chuyện. Anh Tư Xuân kể tôi nghe về cách sống, cách hành nghề trên sông nước của những người nông dân quê Cần Đước của anh. Tôi ngồi nghe vô cùng thích thú, hết sức hâm mộ nghĩa khí và kỹ năng lao động của người nông dân Nam bộ.
Tôi cất kỹ những câu chuyện Tư Xuân kể vào bộ nhớ văn học của mình, và chờ đợi. Quả thật, sau hòa bình chưa đầy một năm, tôi đã viết trường ca Những người đi tới biển tại trại sáng tác văn học quân khu Năm do nhà văn Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng. Những trải nghiệm từ chiến trường đồng bằng Nam bộ của tôi hòa cùng những câu chuyện kể bên bếp lửa rừng của Lưu Kiểng Xuân đã giúp tôi hoàn tất trường ca này vào cuối năm 1976. Tôi mang ơn Tư Xuân vì những câu chuyện kể bên bếp lửa rừng. Dù là phi công trực thăng, đối với quân đội Sài Gòn là thuộc hàng “đẳng cấp”, nhưng Tư Xuân là một nông dân Nam bộ “toàn tòng”. Anh “rành sáu câu” về cách sống, cách làm ăn, những kỹ năng lao động đặc thù của người nông dân vùng sông nước Nam bộ. Anh cũng rành lời ăn tiếng nói của người nông dân Nam bộ, điều tôi đặc biệt quan tâm. Vì tôi học theo nhà văn Nguyễn Thi, một người là lính Việt Cộng ở Nam bộ thời chống Pháp rồi bắc sang chống Mỹ, nhưng Nguyễn Thi là người gốc Bắc. Một trong những đặc chất làm nên sự vĩ đại của Nguyễn Thi - Nguyễn Ngọc Tấn là ông hết sức học tập lời ăn tiếng nói “rặt ri Nam bộ” của người nông dân đất Phương Nam, và đưa chúng vào truyện ngắn, tiểu thuyết của mình “ngọt” vô cùng. Đọc là mê ngay.
Thơ tôi viết ở chiến trường và cả sau này, dùng khá nhiều ngôn ngữ địa phương Nam bộ, nhất là thể hiện khí chất cùng tính cách của người nông dân Nam bộ bằng chính lời ăn tiếng nói của họ. Đó cũng là một lý do rất quan trọng đưa tôi tới với chiến trường Nam bộ (hồi đó gọi là B2). Lưu Kiểng Xuân, qua những câu chuyện và kỹ năng sống của mình trong chiến khu, đã trao cho tôi nhiều bài học về cách sống và cách tích lũy tư liệu cùng ngôn ngữ văn học. Đó là mơ ước của tôi.
Vì thế, chúng tôi thân nhau. Đó cũng là lý do khiến hai chúng tôi “được để ý”. Ở rừng vậy mà.
Khi tôi xuống chiến trường đồng bằng, Lưu Kiểng Xuân vẫn ở rừng chiến khu. Anh vì vậy, ở rừng lâu hơn tôi nhiều. Và nỗi “nhớ rừng” bây giờ của anh, khi phải cách xa những khu rừng kháng chiến ngày trước hàng vạn dặm, càng da diết, xói buốt hơn nhiều.
Tôi đọc dòng tin nhắn của Tư Xuân mà rưng rưng. Làm sao quên được những cánh rừng chúng tôi từng ở. Làm sao quên nồi khoai mì “nửa bí mật” (vì củ mì đào trộm ngoài rẫy cơ quan) trong những đêm mưa rừng lướt thướt, hai anh em vừa nhấm nháp mấy miếng củ mì thơm lựng, vừa uống trà và tâm sự với nhau bao nhiêu là chuyện.
Bây giờ tôi mới thấu hiểu, 5 năm ở chiến trường Nam bộ của mình là khoảng thanh xuân đẹp nhất đời mình. Dù mình đã phải chịu đựng không ít những điều chẳng dễ chịu. Nhưng khi ta sống hết mình, sống với những ước mơ, sống trong gian khổ hiểm nguy, ta mới thật sự là mình. Tôi và Tư Xuân thấu hiểu điều này sau nửa thế kỷ. Từ hai địa điểm rất xa nhau về địa lý. Chúng tôi có một điểm chung: nỗi nhớ rừng.
Bình luận (0)