Lo như trồng hoa tết
Thời gian gần đây, xã Hồng Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) nổi lên như một vựa hoa tết và rau màu lớn ở phía nam tỉnh. Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Lê Văn Thành cho biết hiện toàn xã có 35 hộ trồng hoa tết với tổng diện tích khoảng 7 ha, chủ yếu tập trung vào 2 thôn An Định và Đông Hải. Những ngày này, thôn An Định nhộn nhịp hẳn lên bởi bà con đang tập trung chăm sóc hoa tết. Đèn điện lắp thành từng dàn trên vườn hoa khiến cả thôn bừng sáng như thành phố khi đêm về. Người dân ở đó chủ yếu trồng hoa cúc bởi thời gian sinh trưởng không dài cũng không quá ngắn, vốn đầu tư ít, không đòi hỏi công chăm sóc lớn, giá bán ra ở mức bình dân nên dễ tiêu thụ; tết gần như nhà nào cũng có hoa cúc.
Thế nhưng không vì thế mà người trồng hoa chủ quan, lơ là. Ngày nào cũng phải chăm hoa, để mắt tới hoa, theo dõi hoa sinh trưởng từng giờ để có biện pháp thích ứng. Nếu không dễ dẫn đến tình trạng nở búp ít, nở sớm hoặc nở muộn quá thì coi như công toi, công sức, tiền của đổ sông. Hiện hoa ở Hồng Thủy đã được trên dưới 1 tháng. Trò chuyện với chúng tôi, anh Dương-chủ vườn hoa 15.000 cây- cho biết, mục đích của việc mắc bóng điện là để kích thích cây vươn cao, thẳng, tốt và có thể kiểm soát được việc nở hoa đúng thời điểm. Nếu cây còi quá, không phát triển thì ra hoa sớm. Cây càng lớn càng phải chăm sóc kỹ như tưới nước, phun thuốc tránh sâu bọ và giữ nhiệt ổn định. Đặc biệt, nền đất ở Hồng Thủy là cát ẩm, thấp, rỉ nước ngầm nên cần giữ đất luôn được khô ráo.
Điều khiến người trồng hoa lo lắng hơn hết là sự thất thường của thời tiết. Theo bà con thì chưa năm nào mà thời tiết lạ như năm nay, đến giữa tháng 12 rồi mà vẫn chưa có mưa gió gì, chủ yếu là nắng, mới se lạnh được vài ngày lại nắng. Vì thế người dân sợ sẽ dồn rét, gió vào cuối năm này và đầu năm tới, khi thời điểm cận tết. Hoa và rau màu mà gặp rét và gió thì khó phát triển, ra hoa cũng như rất dễ bị quật gãy.
|
Trồng hoa trên đất… vàng
Đà Nẵng vốn nổi tiếng với những làng nghề trồng hoa cúc philê, được rất nhiều người ưa chuộng. Làng hoa Hòa Cường nhiều năm trước đựơc nhiều thương lái ở các tỉnh, thành miền Trung đến tìm mua hoa cúc philê về bán tết. Nhưng giờ đất trồng hoa đã hoàn toàn bị thu hồi để xây dựng khu dân cư mới. Người dân có đất được đền bù để xây nhà cao cửa đẹp, nhưng lại không có đất để trồng hoa, vì vậy phải trồng hoa trên nhiều mảnh đất…vàng (những mảnh đất quy họach những công trình lớn, ở vị trí đẹp nhưng còn bỏ trống -PV). Anh Lê Xuân Quang, một người dân ở đây năm nay trồng khoảng 500 chậu, với mong muốn nhỏ nhoi là duy trì được nghề của cha, ông nội truyền lại. Không có gì khó bằng trồng hoa tết, trồng hoa tết trên đất vàng càng khó hơn, bởi nỗi lo phập phồng bị thu hồi đất khi hoa đang vào vụ, hoặc không thể chăm sóc hoa tốt như trồng hoa ở đất trong khu công nghiệp. “Khó nhất là hoa phải phun thuốc để không bị sâu rầy phá hoại, nhưng phun thuốc trong khu vực này vô cùng khó khăn, người dân trong khu vực la ó. Vì vậy mà đành phải cứ theo dõi hoa thiệt gắt gao, chỉ trường hợp phát hiện rầy sâu dữ lắm mới phun. Nhiều khi phun không kịp, thiệt hại là rất lớn!” anh Quang chia sẻ.
Trồng hoa tết là nghề ngó đơn giản, nhưng thực chất là vô cùng vất vả. Không chỉ khó khăn về đất trồng, tiền bạc đầu tư để trồng hoa không ít, nào giống (nhập từ Đà Lạt), phân, thuốc trừ sâu, nhân công… Nên chỉ có những hộ có chút vốn liếng mới mạnh tay chi đậm, còn lại các hộ đều vay tiền, trồng vài trăm cây đủ tiền ăn tết. “Trồng được cây hoa mọc cho thẳng, ra hoa cho đẹp đâu phải chuyện dễ ăn! Nhiều người không có kinh nghiệm, xen vô coi như chết vì tiền mất, công cán cũng như không!” bà Nguyễn Thị Lài, một người trồng hoa lâu năm ở đây nói về nghề. Vậy mà năm nay, thời tiết thất thường, người trồng hoa Đà Nẵng cũng như nông dân Quảng Bình, vẫn đang hồi hộp chờ đợi thành quả của mình…
Trương Quang Nam - Diệu Hiền
Bình luận (0)