Nhọc nhằn học sinh vùng cao

05/03/2011 15:10 GMT+7

(TNO) Đến với xã miền núi Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam), trên đường phải vượt qua nhiều đoạn đèo dốc hiểm trở - có những đoạn đường chỉ chực chờ mưa là sạt lở, chúng tôi đã chứng kiến được phần nào khó khăn của người dân sống nơi đây.

Đến khi đi xuống một dốc sâu hút, để vào được ngôi trường nằm sâu trong hẻm núi - trường Tiểu học và THCS Trà Nam, chúng tôi mới thấy hết được những nhọc nhằn, khó khăn của các em học sinh nơi đây.

327 học sinh THCS và 329 học sinh tiểu học, 100% các em đều có chung một "lý lịch": hộ nghèo. Đến trường, các em phải đi cả một ngày đường lội suối, băng rừng.

Hành trang mang theo không phải là giấy bút, áo quần, mà chỉ vỏn vẹn một túm gạo và một bịch muối nhỏ, đủ để sống qua vài ngày ở lại học tập. Hết gạo thì thầy cô trong trường lại giúp.

Có những em đến trường chỉ mặc một bộ quần áo mỏng manh, rách nát, thậm chí có em đến đường mà không mang dép vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Chỗ ở thì càng không ra gì, các em ở trong một dãy nhà được ghép lại từ tre nứa, bên trên thậm chí không có tôn để lợp mà chỉ che bằng những tấm bạt đã rách nát. Trời nắng có chút gió thì cát thốc vào, trời mưa thì ướt dầm dề lạnh buốt…

Những em nhỏ chỉ 7 - 8 tuổi đã biết tự lo cho mình, biết nấu ăn, biết tự học. Bữa ăn của các em nhiều khi chỉ vỏn vẹn nồi cơm và chén muối, hôm nào cải thiện thì có thêm bát canh rau rừng, hoặc cá bắt được dưới suối.

“Chỉ học sinh khối THCS mới có được chính sách hỗ trợ bán trú, mỗi tháng các em được khoảng 100.000 - 240.000 đồng tùy em. Với học sinh tiểu học thì không có chế độ này, nên nhà trường phải xoay sở, giúp các em bằng việc kêu gọi hỗ trợ, cứ lúc nào hết thì kêu lúc ấy!”, thầy Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Nam chia sẻ.

Hỏi thăm thầy Nam, thứ gì cần cho các em bây giờ nhất, thầy Nam bảo, đó là quần áo, giày dép, bởi nhiều em quần áo rách bươm mà không có gì thay. Sau đó mới đến cái ăn bởi ở đây các em luôn có cơm ăn, chỉ thiếu thức ăn.

“Mong sao có được sự quan tâm từ mọi nơi, giúp cho các em học sinh bớt khổ, mà chuyên tâm vào việc học. Có học hành, thì mới mong các em có hướng phát triển được vùng đất này khỏi nỗi ám ảnh đói nghèo! Nếu không, sự nghèo không biết sẽ đeo bám vùng miền núi này đến bao giờ…”, thầy Nam trăn trở.

Và không biết đến bao giờ những hình ảnh này sẽ được xóa đi:

 
Đoạn đường từ thị trấn Tắc Pỏ lên xã Trà Nam đầy những đoạn mà chỉ một cơn mưa nhỏ sẽ lở núi, tắc đường - Ảnh: Diệu Hiền


Nằm sâu trong hẻm núi, trường Tiểu học và THCS Trà Nam là nơi có 650 học sinh đang theo học, 100% các em là người dân tộc - Ảnh: Diệu Hiền


Nhiều em đến trường bằng chân đất - Ảnh: Diệu Hiền


Từ đường chính vào trường phải đi xuống một con đường dốc thẳng đứng - Ảnh: Diệu Hiền


Thoạt nhìn, không ai nghĩ đây là khu nhà nội trú của hơn 500 học sinh - Ảnh: Diệu Hiền


Vậy mà trong những căn lều tranh tre, nứa lá, chỉ một cơn gió cũng dễ dàng làm ngã sụp này, không bao giờ thiếu vắng tiếng cười của những em học sinh dân tộc - Ảnh: Diệu Hiền


Những học sinh chỉ mới 7 - 8 tuổi, đã biết nấu ăn, biết tự lo cho mình khi đến trường học nội trú - Ảnh: Diệu Hiền


Vừa đi học về chưa kịp tháo khăn quàng đã sà vào nấu cơm cho kịp buổi học chiều - Ảnh: Diệu Hiền


Hỏi ăn cơm với thức ăn gì, em học sinh lớp 2 tên Niên này ngơ ngác, sau đó cười ngượng nghịu: dạ, ăn cơm với muối chứ có gì đâu cô - Ảnh: Diệu Hiền


Nhếch nhác với bộ quần áo rách bươm, nhưng đó là bộ đồ mà em học sinh Hồ Văn Vũ mặc trong suốt cả tuần ở lại nội trú - Ảnh: Diệu Hiền


Dường như các em không có một món đồ chơi nào, nên phải nghĩ ra những trò chơi rất dân dã. Con trai cũng chơi nẻ sỏi - Ảnh: Diệu Hiền


Hay ra sân đất chơi đuổi bắt - Ảnh: Diệu Hiền


Hoặc nằm trong lều trò chuyện, ngắm bầu trời qua những khe hở - Ảnh: Diệu Hiền


Ôn bài cùng nhau - Ảnh: Diệu Hiền


Nhưng ở những đứa trẻ này, luôn có sự khát khao được đến trường - Ảnh: Diệu Hiền

Diệu Hiền
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.