Nhiều đứa trẻ ở xã Minh Hòa, H.Dầu Tiếng (Bình Dương) phải nghỉ học vì nhiều lý do khác nhau.
Ba thế hệ gia đình ông Bo đều khó đến trường tìm chữ do thiếu giấy tờ tùy thân - Ảnh: Huy Anh |
Không giấy, lấy gì đến trường
“Xóm Việt kiều” là tên người dân dùng để gọi những gia đình người Việt từ Campuchia trở về, sinh sống ở lòng hồ Dầu Tiếng (Tổ 7, ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa). Tuy mang danh “Việt kiều” nhưng những con người ở đây (khoảng 15 hộ với hơn 200 nhân khẩu) không có giấy tờ tùy thân, không đất đai, không nghề nghiệp... việc học của những đứa trẻ cũng không được quan tâm.
Trong căn lều lụp xụp chưa đầy 20m2 nhưng đó là chỗ trú ngụ của 12 nhân khẩu, ông Nguyễn Văn Bo (55 tuổi, ấp Hòa Lộc) cho biết đây là căn nhà của người bà con cho ở nhờ. Nhìn đám con cháu lủ khủ, nhỏ nhất chỉ mới 1 tuổi đến đứa lớn 17 tuổi, ông Bo buồn rầu nói: “Cuộc sống lưu lạc, giấy tờ tùy thân không có thì chúng đâu được đi học như con người ta. Ai nhận mà cho học. Chúng tôi biết mù chữ thì khó mà đổi đời nhưng biết lấy giấy tờ đâu ra cho chúng đến trường”. Ở xóm “Việt kiều”, bà Trần Thị Tuyết (58 tuổi) có lẽ là gia đình duy nhất có người được đi học. “Chúng tôi tìm đủ mọi cách để cho hai cháu đi học. Hiện tại, các cháu đang học cấp 2 và cấp 3 mãi Thới Hòa (TX.Bến Cát) nhưng nhà trường cứ đòi giấy tờ hoài nên gia đình tôi cũng chưa biết tính sao”, bà Tuyết nói.
Ông Cao Văn Quang - Tổ trưởng tổ 7, ấp Hòa Lộc (xã Minh Hòa) cho biết, từ những năm 1960 khoảng hơn 100 người, hầu hết ở ĐBSCL tập trung sống trên những chiếc ghe, hành nghề thả lưới quăng chài ở Biển Hồ thuộc tỉnh Kompong Chhnang (Campuchia) để kiếm sống. Chính quyền địa phương, đã cấp “giấy xanh” (giấy tạm trú lâu dài) cho làng chài. Đến năm 1988, đa số người Việt tại khu vực Biển Hồ đã theo dòng nước tìm đường về VN sinh sống. Mới đầu, họ tập trung ở khu vực La Ngà (Đồng Nai) tiếp tục giăng câu, thả lưới ở lòng hồ Trị An rồi sau đó chuyển qua khu vực hồ Dầu Tiếng (Bình Dương). “Cuộc sống nay đây mai đó khiến việc học chữ của những đứa trẻ nơi đây gặp nhiều khó khăn. Đa phần trẻ nhỏ ở khu vực này cũng không học quá cấp 1. Ngoài việc trường học ở xa, điều kiện kinh tế khó khăn ra thì đa phần ba mẹ chúng không có hộ khẩu, không có CMND nên việc làm giấy cho chúng là rất khó”, ông Quang cho hay.
12 km mới có trường mầm non
Cách “xóm Việt kiều” không xa là nơi sinh sống của 80 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Chăm (hay còn gọi là làng Chăm). Đồng bào Chăm về Minh Hòa sống từ những năm 1975 đến nay và vẫn giữ được nét văn hóa riêng của dân tộc mình từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, tôn giáo… Cuộc sống của người Chăm cũng khá giả lên từng ngày. Chị Khogizanh, cán bộ phụ nữ làng Chăm cho biết hiện tại bà con ở đây không chỉ dừng lại ở cuộc sống no đủ mà nhà cửa cũng xây khang trang hơn, đồ nội thất cũng sắm đầy đủ, có nhà còn sắm được cả xe hơi. “Duy chỉ có một thứ chúng tôi thiếu ở đây là chữ, chữ của người Kinh”, chị Khogizanh nói.
Nhìn đám trẻ đang miệt mài ngồi học kinh Koran trong lớp học do người Chăm xây dựng, chị Khogizanh nói tiếp: “Bọn trẻ ở đây sáng dạ lắm nhưng đa phần chỉ được đi học cấp 1. Cả làng tôi giờ chỉ có 1 em là học đi học cấp 3”. Nói về nguyên nhân đám trẻ làng Chăm không đến trường, ông Sakim, Tổ trưởng bảo vệ làng Chăm nói: “Từ đây ra trường mầm non cách 12km, ra trường tiểu học là 10km, ra trường trung học là 15km… trẻ nhỏ đi xe đạp thì xa quá, đi xe máy thì không được. Người dân lại không có điều kiện đưa rước con được, cũng không có xe bus cho đám trẻ đi. Giá như có một ngôi trường cho trẻ làng Chăm thì tốt biết mấy”.
Ông Trương Thanh Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết: “
Đầu năm học 2015 – 2016, chúng tôi có nhận được tin báo của trường THCS
Minh Hòa là không có học sinh nào ở làng Chăm nhập học. Tôi và nhiều
cán bộ xã đã đến từng nhà để vận động phụ huynh cho học sinh đến trường,
trong đó có cả con em người Kinh. Còn trẻ em tại xóm “Việt kiều” chúng
tôi cũng đã nắm nhưng đây là vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính,
cần phối kết hợp của nhiều cơ quan thì mới giải quyết được vấn đề”.
|
Bình luận (0)