Nhọc nhằn nail Việt

17/10/2011 16:55 GMT+7

(TNTS) Chưa bao giờ người Việt đặt dấu ấn mạnh mẽ hơn thế qua những vùng đất mà họ đã đi qua, hoặc đã quyết tâm bám trụ ở lại bằng những tiệm nail nhỏ xinh rải rác khắp nhiều nước.

Tôi vẫn thường giữ liên lạc với một số bạn bè sống ở nước ngoài qua chat. Một lần chat chit với Phương - cử nhân Ngoại giao, hiện đang sống ở New Zealand cùng chồng con, cô khoe hai vợ chồng đang làm chủ một tiệm nail nho nhỏ, thu nhập cũng tạm đủ cho sinh hoạt hằng ngày, nhưng không được sung túc giàu có như các nghề khác.

Gạt bỏ sĩ diện

Phương hồ hởi chia sẻ chồng cô dù tốt nghiệp đại học tại New Zealand, cũng từng có thời gian đi làm thuê ở công ty đúng chuyên ngành IT đã học, song anh vẫn lo xa gom góp tiền tự mua một tiệm nail, thuê người làm và trông coi. Mấy năm qua khi kinh tế khó khăn và có quá nhiều tiệm nail Việt liên tiếp mọc ra với giá cạnh tranh lẫn nhau, chồng cô quyết định bỏ làm, tự quay về quản lý tiệm nail. Thậm chí để cạnh tranh với các tiệm khác và để tiết kiệm tiền thuê thêm thợ, vợ chồng cô phải tự học đắp móng, vẽ móng để kịp thời hỗ trợ khi đông khách và nghĩ thêm nhiều kiểu mới hấp dẫn.

 


Ảnh: Shutterstock

Cứ nghĩ tới đoạn bạn mình từng có mơ ước làm cán bộ ngoại giao, lại từng du học ở Bắc Kinh nhiều năm, thông thạo mấy ngoại ngữ, nay lẩn quẩn trong một tiệm nail chật chội, suốt ngày chúi mũi vào tay và chân, tôi không khỏi cám cảnh. Phương cũng thừa nhận ban đầu khi mới làm còn mặc cảm, chỉ sợ người quen nhìn thấy, nhưng sau riết vì mưu sinh, phải giữ khách hàng vì nếu tiệm không đủ thợ đáp ứng, khách sẽ bỏ ngay sang tiệm khác nên cũng gạt bỏ sĩ diện mà từ bà chủ, ông chủ cùng làm nail với nhân viên.

Phương Mai - chủ tiệm Kim's nagelstudio ở Rückertstrasse 23 - 97421 Schweinfurt, Đức, cũng cho biết tiệm cô tiết kiệm chỉ dám thuê 2 thợ, vì lương trung bình cho thợ đã từ 1.500 - 2.000 Euro. "Hầu hết chủ tiệm nail đều phải biết nghề và luôn cùng làm khi không đủ thợ", cô chia sẻ. Giá trung bình làm một bộ móng tại Đức khoảng 35 - 54 Euro, những thợ nail phải làm việc liên tục 6 ngày/tuần với 8 tiếng/ngày. Một tiệm chừng 30m2 phải thuê với giá 1.500 Euro/tháng, chưa kể phải đóng một loạt các tiền thuế khác.

Làm đẹp cho người, độc hại cho mình

Tuy nhiên những người Việt theo nghề nail đang sống ở các nước thường phải đối mặt với không ít rủi ro. Do thường xuyên phải tiếp xúc với nước và mỹ phẩm sơn móng, lại không thể đeo bao tay để việc sơn sửa móng được tỉ mỉ, chính xác, những thợ làm nail thường mắc phải các triệu chứng như: nứt da, viêm da, ngứa mắt, khó thở, nhức đầu, suyễn…

Tiến sĩ Thu Quách thuộc Trung tâm Cancer Prevention Institute of California (CPIC) là người thấu hiểu nhất những tác hại mà nghề nail đem lại bởi mẹ bà từng qua đời vào năm 2005 do ung thư, sau 15 năm làm nghề nail. Theo kết quả công trình nghiên cứu của tiến sĩ Quách về việc những hóa chất độc hại mà người làm nail liên tục phải tiếp xúc có thể gây ra bệnh ung thư, công bố ngày 5.5.2011 trên American Journal of Public Health, thì có tới 3 loại hóa chất độc hại trong sản phẩm làm nail mà thợ nail phải chịu đựng hằng ngày. Đó là ba độc tố Toluene, Formaldehyde và Dibutyl Phthalate (DBP).

Formaldehyde là hóa chất được dùng cho cứng móng tay, cũng có thể bốc hơi trong không gian, và có thể gây ra bệnh ung thư. Dibutyl Phthalate (DBP) - chất hóa học làm mềm, được pha vào nước sơn để tạo độ mềm và sáng bóng cho móng tay. Nhiều nghiên cứu cho rằng tiếp xúc với DBP lâu dài có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp, và ở phụ nữ mang thai, có thể gây khó khăn cho thai nhi giống nam, cũng như làm giảm số lượng tinh trùng ở đàn ông trưởng thành. Cuộc nghiên cứu cho biết, người tiếp xúc và hít phải nhiều Toluene sẽ có triệu chứng như: Nước da khô nứt, mắt, mũi cổ họng bị ngứa ngáy khó chịu, nhức đầu, chóng mặt, tê người hay yếu cơ bắp.

Một số nghiên cứu còn cho biết phụ nữ hít mùi từ chất Toluene vào người trong một thời gian dài có thể bị ảnh hưởng đến việc sinh con. Hít phải nhiều Formaldehyde sẽ bị chảy nước mắt, có cảm giác rát nóng trong mắt và cổ họng, ho, thở khò khè, khó thở hay buồn nôn…

Lựa chọn số 1 của người Việt tha phương

Do vốn đầu tư cho một tiệm nail là ít ỏi nhất so với các đầu tư khác trên đất người, nên hầu hết người Việt ít tiền đều lựa chọn nghề kinh doanh này. Phương Mai tâm sự gia đình cô mở tiệm nail tại Đức từ nhiều năm qua, và thu nhập cũng khấm khá, tuy nhiên mấy năm gần đây bên cạnh cộng đồng người Việt tại Đức mở tiệm nail, cũng có không ít tiệm nail của dân nhập cư các nước khác như Trung Quốc, Malaysia… với giá cả vô cùng cạnh tranh khiến việc làm ăn ngày càng khó khăn. Bản thân cô vừa làm chủ tiệm vừa làm thợ, nhưng sau khi hết giờ làm ở tiệm, cô vẫn tranh thủ đi làm thêm ở nơi khác để đảm bảo sinh hoạt gia đình.

 
Quang cảnh một tiệm nail Việt Nam tại Đức 

Trong khi đó ở Rochester và khắp nước Mỹ, kinh doanh tiệm nail đã trở thành lĩnh vực làm ăn chính của người Việt nhập cư suốt 35 năm qua. Tại California, nơi cộng đồng người Việt tập trung đông nhất tại Mỹ, có tới 80% số thợ nail là người Việt. Tính trên khắp nước Mỹ, 43% số lao động trong nghề này là người Việt. Nhiều Việt kiều sống ở các nước đều thừa nhận nghề nail luôn là lựa chọn số 1 của họ khi sống ở nước ngoài bởi nghề này không đòi hỏi trình độ kiến thức cao. Chỉ cần có tính khéo léo, tỉ mỉ, chăm chỉ, có khiếu thẩm mỹ một chút là đều làm được. Chính vì vậy rất nhiều người Việt khi mới ra nước ngoài sinh sống, còn chưa rành ngôn ngữ bản địa vẫn sống tốt với nghề nail. Ở nhiều nước, nghề nail được cha truyền con nối trong cộng đồng người Việt.

Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.