Nhọc nhằn nghề đãi trùn chỉ

28/09/2013 09:45 GMT+7

Nhiều dân nghèo ở tỉnh An Giang phải ngâm mình dưới dòng nước dơ để đãi trùn chỉ, bán cho người chuyên nuôi cá cảnh để kiếm sống qua ngày.

 Trùn chỉ
Dân nghèo xúc trùn chỉ kiếm cơm - Ảnh: Hồng Ánh

Kiếm cơm dưới lớp bùn

Ngay từ sáng sớm, anh Lê Văn Rô (36 tuổi, ngụ xã Hoà Lạc, H.Phú Tân) cùng 2 người em trai tranh thủ ăn vội gói xôi, rồi xách bộ đồ nghề đến kênh Sáu Tre để đãi trùn chỉ. Trầm mình xuống dòng nước bẩn, mỗi người quay một hướng, dùng tay hốt bùn vào chiếc vợt làm bằng lưới cước đãi tìm trùn. Anh Rô cho biết khoảng 5 năm trước, kênh Sáu Tre không có trùn chỉ. Từ khi phong trào nuôi cá tra phát triển mạnh, các hộ dân xả nước thải trực tiếp ra kênh đã tạo môi trường thuận lợi cho trùn chỉ sinh sôi. Anh Rô kể cách đây mấy năm, anh đi ghe chở cá tra đến xã Vĩnh Thạnh Trung (H.Châu Phú), gặp nhiều người mang cả vợ con lên đây dựng lều xúc trùn chỉ. Dứt vụ, mỗi người kiếm được từ 10 - 15 triệu đồng. Thấy nghề này dễ làm, thu nhập khá nên anh Rô rủ anh em trong xóm sắm dụng cụ đi xúc trùn chỉ kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, trong xóm anh cũng có nhiều hộ đi đãi trùn chỉ bán cho những người chuyên nuôi cá cảnh. Hổm rày trùn khan hiếm, nên anh và mọi người phải đi xa tìm kiếm rất vất vả.

Trùn chỉ có màu đỏ sậm, nhỏ bằng sợi chỉ may đồ, nên phải dùng lưới cước thật dày mới đãi được nhiều. Anh Rô cho biết trùn chỉ thích sống dưới lớp bùn dơ. Nước càng dơ, trùn chỉ xuất hiện càng nhiều. Gặp chỗ nước sâu, mọi người phải lặn xuống đáy, xúc từng vợt bùn để đãi tìm trùn chỉ. Có khi nguồn nước dưới kênh ô nhiễm nặng, anh em bị ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ khắp người. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, mọi người cố gắng làm để nuôi vợ con.

 Trùn chỉ 2
Trùn chỉ - Ảnh: Hồng Ánh

Nghề của dân nghèo

Ở cuối con kênh Sáu Tre, anh Lê Văn Thiện (ngụ xã Phú Bình) đang miệt mài đãi bùn bắt trùn chỉ. Anh nói mấy năm trước, gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Do không có nghề nghiệp ổn định, anh phải đi làm mướn kiếm sống đắp đổi qua ngày. Từ khi trong xóm nổi lên phong trào đãi trùn chỉ, anh Thiện mới tập tành làm theo. Nhờ vậy mà 2 năm nay, cuộc sống của gia đình anh đã ổn định hơn so với trước. Vừa đãi được 2 thau trùn, anh Thiện khoe với chúng tôi: “Nếu số trùn chỉ này bán được từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, thì sau khi trừ đi các chi phí, bản thân cũng kiếm được hơn 150.000 đồng”.

Cùng trong hội đãi trùn chỉ, anh Lê Văn Sứt tâm sự trước đây, anh sống bằng nghề lái máy suốt lúa, nhưng mấy năm nay, nông dân chủ yếu thuê máy gặt đập liên hợp, nên anh đã chuyển sang nghề xúc trùn chỉ. Giở bọc trùn chỉ vừa đãi được cho chúng tôi xem, anh Sứt nói: “Trùn chỉ còn được gọi là giun nước. Những người chuyên đi câu thích dùng mồi này, bởi cá rất ưa trùn chỉ. Hôm nào thời tiết tốt, trùn chỉ sinh sôi nhiều thì thu hoạch khá, còn nếu gặp ngay hôm trời mưa thì không kiếm được bao nhiêu. Bởi vậy, dân trong nghề thường xem thời tiết trước khi đi xúc trùn”.

Mấy năm gần đây, nhu cầu nuôi cá kiểng, cá chình, cá nàng hai… nở rộ kéo theo phong trào đãi trùn chỉ phát triển. Bất chấp nguồn nước ô nhiễm ở các dòng kênh, dân địa phương vẫn ráo riết tìm trùn chỉ. Khi cạn nguồn, nhiều người còn chạy sang các huyện khác, dựng lều trại ở lại để tìm trùn. Dù không ít độc hại, nhưng đây vẫn được xem là nghề kiếm sống chính của không ít hộ nghèo tại An Giang.

Hồng Ánh

>> Mò trùn chỉ
>> Mưu sinh mùa lũ
>> Mưu sinh nhờ hổ hèo
>> Mưu sinh dưới cái rét cắt da cắt thịt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.