Bao đời nay, cứ vào mùa hè hằng năm, người dân các xã ven biển H.Thăng Bình, (Quảng Nam) cùng nhau đi phơi cá mướn. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ sáng sớm cho đến chiều tà. Theo chân những người chuyên đi làm thuê cho các chủ lò, chúng tôi mới thấu hiểu sự vất vả, cực nhọc của nghề này. Giữa trưa hè, hàng chục lao động đa số là phụ nữ vẫn oằn lưng, khiêng vác, phơi cá dưới cái nắng như đổ lửa. Nắng buổi trưa, nhiệt độ lên tới 39-400C, trời ít gió khiến không khí trở nên ngột ngạt.
Lau vội những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, bà Nguyễn Thị Mười (46 tuổi, ở Bình Tân, xã Bình Nam) nói: “Nghề này mà càng nắng nóng thì chúng tôi càng mừng, vì phơi được nhiều cá. Người lao động chân tay như chúng tôi không ngại vất vả hay nắng cháy, chỉ mong sao có việc để có thu nhập”.
Còn bà Lê Thị Hồng (50 tuổi, cũng ở Bình Tân) tâm sự: “Tôi không có công việc ổn định nên chọn nghề này. Mỗi ngày tui làm 12 giờ, mỗi giờ chủ xưởng trả cho 20 ngàn đồng. Vất vả cả ngày cũng kiếm được khoảng 200 - 250 ngàn đồng, đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Dẫu biết rằng nghề phơi cá mướn vất vả, khổ cực, nhưng không kiếm được nghề nào khá hơn nên đành chấp nhận”.
Nghề phơi cá mướn này chủ yếu là làm ngoài nắng, nắng càng to thì cá phơi càng đạt chất lượng, vì thế mà các chị luôn đội nắng gần như suốt ngày. Có những hôm gặp trời mưa giông bất chợt, cùng một lúc phải khuâng hàng trăm vỉ cá đang phơi vào kẻo bị ướt mới thấy nỗi vất vả vô cùng của người phơi cá mướn. Nhiều chị vì lo “cứu” cá lại gặp mưa khi cả ngày đứng dưới nắng đã ngã bệnh và sức khỏe yếu hẳn đi. Có chị định bỏ nghề vì không chịu nổi cái nắng hầm hập “trên nắng dưới nóng”...
“Không nhờ nghề ni thì chắc nhà tui bị cứu tế hoài, con tui sẽ không đứa mô được đi học cho đến chừ. Dẫu nắng nóng hơn nữa cũng phải gắng sức, cực khổ đến đâu cũng chẳng sợ, chỉ mong tụi nhỏ ăn học đàng hoàng để sau này có công việc ổn định, không phải đi làm thuê khổ cực như mẹ chúng”, chị Nguyễn Thị Nguyệt (39 tuổi), một người có chồng mất trong bão Chanchu nói.
Chính những lời tâm sự chát đắng ấy lại là nghị lực, mơ ước của những người làm nghề phơi cá mướn đã giúp họ vượt qua những vất vả, cư cực trong cuộc mưu sinh để gắn bó với nghề.
Bình luận (0)