Lan tỏa trên mạng xã hội:

Nhóm bạn trẻ TP.HCM sáng kiến dùng phao chắn rác dưới kênh rạch

04/04/2024 10:05 GMT+7

Nhiều điểm kênh dọn vệ sinh xong 2 - 3 tháng sau quay lại vẫn ngập rác nên nhóm bạn trẻ ở TP.HCM nghĩ ra cách dùng phao chắn rác để thu gom thuận lợi, đồng thời tuyên truyền không xả rác ra kênh rạch.

Sau hơn 2 tháng đặt phao chắn rác trên con rạch ở TP.Thủ Đức, nhóm bạn trẻ của CLB Sài Gòn Xanh (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.HCM) vừa vui vừa buồn. Vui vì phao chắn rác hoạt động tốt khi ngăn chặn hơn 95% rác thải, buồn vì rác đã dày đặc khu vực trong phao.

CHẶN RÁC TỪ NGUỒN

Sau gần 1 năm rưỡi thành lập nhóm Sài Gòn Xanh, anh Nguyễn Lương Ngọc (29 tuổi), trưởng nhóm, cho biết khi dọn rác trên nhiều kênh rạch ở TP.HCM, nhóm nhận ra người dân sống ở cuối nguồn hay phải chịu đựng cảnh sống chung với rác, khốn khổ tìm cách xoay xở. 

Đặc biệt, nhiều điểm kênh rạch tại Tân Bình, Thủ Đức… sau khi dọn rác, 2 - 3 tháng sau quay lại kiểm tra thì thấy rác lại ngập tràn nên nhóm quyết tâm làm gì đó để thay đổi hiện trạng.

Phía sau những video trăm triệu view về nhóm bạn trẻ nhặt rác ở kênh rạch TP.HCM

Nhóm bạn trẻ TP.HCM sáng kiến dùng phao chắn rác dưới kênh rạch- Ảnh 1.

Phao chắn rác giúp việc thu gom rác thuận tiện hơn, rác không trôi về cuối nguồn

Vũ Phượng

Mỗi đoạn kênh rạch lại đi qua nhiều khu dân cư khác nhau nên nhóm đã đưa ra ý tưởng dùng phao chắn để cô lập từng vùng rác. "Có phao này nhóm mình thu gom rác tiện hơn vì rác nằm gọn trong vùng giữa phao mà không bị chui vào cống hay những góc khác, trôi về cuối nguồn", anh Ngọc nói.

Phao chắn rác đầu tiên, nhóm đặt trên hai đoạn rạch nhỏ ở đường số 20 và đường số 22, P.Linh Đông (TP.Thủ Đức) vào tháng 12.2023. Đây cũng là điểm các thành viên đã nhiều lần tập trung đến thu gom rác trước đó. Theo chủ nhiệm câu lạc bộ, một mắt phao tốn khoảng 500.000 đồng, đoạn kênh rạch càng dài, chi phí cho phao chắn rác sẽ càng cao, cộng thêm phần cọc kiên cố phát sinh.

Toàn bộ chi phí được trích từ tài khoản thiện nguyện của nhóm do cộng đồng đóng góp. Tài khoản này công khai sao kê để ai cũng có thể vào cập nhật.

"Dự án phao chắn rác được thực hiện với sự phối hợp của Đoàn thanh niên địa phương, chúng mình trình kế hoạch rõ ràng, xin phép chính quyền để làm xong đặt bảng tuyên truyền ngay tại dự án đó. Hy vọng dự án này được mở rộng để ngăn chặn rác từ nguồn, không cho rác trôi ra đại dương", anh Ngọc chia sẻ.

QUAN TRỌNG LÀ Ý THỨC

Phao chắn rác thứ 3 nhóm thực hiện cũng là phao chắn quy mô nhất hiện tại được đặt tại cầu Rạch Lăng (đoạn qua rạch Lăng thuộc hệ thống rạch Xuyên Tâm) trên đường Phan Chu Trinh (Q.Bình Thạnh).

Nhóm bạn trẻ TP.HCM sáng kiến dùng phao chắn rác dưới kênh rạch- Ảnh 2.

Phao chắn rác ở đường số 20 (P.Linh Đông, TP.Thủ Đức)

Chị Bùi Thị Như Ngọc, Bí thư Quận đoàn Q.Bình Thạnh, cho biết trong ngày chủ nhật xanh 17.3 vừa qua, hơn 100 đoàn viên trên địa bàn, người dân hai phường và nhóm Sài Gòn Xanh đã cùng nhau đặt phao chắn rác, dọn dẹp cảnh quan, trồng cây cảnh quan tại đây.

Theo chị Ngọc, rạch Xuyên Tâm đi qua 7 phường trên địa bàn Q.Bình Thạnh. Lượng rác trên rạch đã giảm nhiều so với trước đây vì quận thường xuyên phối hợp các lực lượng dọn dẹp.

"Người dân sinh sống cùng thực hiện dự án giúp việc tuyên truyền hiệu quả hơn. Phao chắn rác gom rác tại một chỗ, chúng tôi sẽ phối hợp nhóm Sài Gòn Xanh mỗi quý một lần tiếp tục cùng người dân thu gom, không để rác ứ đọng làm xuất hiện lăng quăng và muỗi", chị Ngọc chia sẻ.

Nhóm Sài Gòn Xanh thành lập ngày 5.12.2022 và là một trong những nhóm bạn trẻ cùng nhau dọn rác, bảo vệ môi trường xuất hiện đầu tiên trên mạng xã hội. Từ kênh TikTok ngày đầu chỉ với hai thành viên, sau hơn 1 năm rưỡi hoạt động, nhóm đã thu hút 20.000 người cùng tham gia dọn rác ở kênh rạch tại TP.HCM mỗi tuần hai lần.

Nhóm bạn trẻ TP.HCM sáng kiến dùng phao chắn rác dưới kênh rạch- Ảnh 3.

"Ban đầu đi dọn rác mình chỉ đăng clip để làm kỷ niệm nhưng không ngờ có nhiều bạn trẻ thích và muốn cùng tham gia để lan tỏa, tạo hiệu ứng trên mạng xã hội. Cùng nhau làm việc có ích, đổi mới cách truyền thông thì nhiều người dùng mạng dễ tiếp cận. Ngoài dự án này, chúng mình cũng đang làm thuyền tái chế từ chính rác đã thu gom để tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường", đại diện nhóm cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.