Nhóm học sinh 'hô biến' bã mía thành lịch, thiệp, sổ tay tuyệt đẹp

Tấn Đạt
Tấn Đạt
17/10/2020 19:45 GMT+7

Tận dụng bã mía, nhóm học sinh đã 'hô biến' thành những tấm lịch, thiệp, sổ tay hay những bức tranh… tuyệt đẹp.

Xuất phát từ bài tập môn hóa

Cẩn thận soạn những tấm lịch, thiệp, sổ tay…, Trần Xuân Khánh Thi, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM, nâng niu khoe thành phẩm của nhóm cho chúng tôi xem. Nhìn qua các sản phẩm, mọi người không thể nào đoán được là nó được làm từ bã mía vì chúng đã được “chế tác” một cách công phu, cùng với những nét vẽ sống động, bắt mắt.

Khánh Thi (thành viên trong nhóm) nói: “Đây là dự án 'Sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade từ bã mía' của nhóm vừa giành giải nhất cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020" do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức”.

Mỗi sản phẩm được tô điểm bằng một nội dung khác nhau

Ảnh: KT

Cũng là thành viên của nhóm, Lương Tâm Như chia sẻ: “Ý tưởng làm giấy, các sản phẩm từ bã mía xuất phát từ bài tập môn hóa về chủ đề tái chế rác thải. Lúc ấy, thấy cô bán nước mía cạnh nhà, hằng ngày chất bã mía thành từng đống rồi đốt, khói ảnh hưởng đến mọi người và môi trường, thế là em nghĩ tại sao không tận dụng bã mía? Từ đó em đã mày mò làm giấy từ bã mía”.

Tâm Như nhấn mạnh: “Trong quá trình tìm hiểu, chúng em nhận thấy bã mía có những tính chất gần giống với gỗ, có thể thay thế bột gỗ trong sản xuất giấy bằng bột bã mía, trở thành nguồn nguyên liệu mới trong ngành công nghiệp giấy trong tương lai. Chính vì vậy, ý tưởng sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade (làm bằng tay) từ bã mía ra đời”.

Những bức tranh vẽ với nhiều chủ đề khác nhau như: Bảo vệ môi trường, phòng dịch Covid-19, lễ, tết,…

Ảnh: Tấn Đạt

Video Khánh Thi chia sẻ quy trình "hô biến" bã mía thành giấy

Gặp không ít sự cố

Để phát triển ý tưởng thành một đề tài thiết thực, Khánh Thi, Tâm Như cùng những người bạn có cùng đam mê nghiên cứu khoa học và giáo viên đã cùng thực hiện. Các em bắt đầu bằng việc đi xin bã mía, về xay, trộn bằng máy xay sinh tố thông thường, đổ khuôn, phơi, thiết kế thành phẩm, làm và tiếp thị ra thị trường.

Khánh Thi cho biết: “Tụi em chia thành 4 bộ phận phụ trách các công đoạn gồm: Nghiên cứu, sản xuất giấy thô, trang trí làm thành sản phẩm, truyền thông tiếp thị. Nhiều người tham gia, nhiều thử nghiệm, ý tưởng... nên chất lượng giấy ngày càng cao, sản phẩm nhiều mẫu mã, hình thức bắt mắt hơn". 

Quy trình sản xuất giấy từ bã mía

Ảnh: Tấn Đạt

Khánh Thi chia sẻ việc làm bã mía thành giấy đòi hỏi sự tỉ mỉ. Như tỷ lệ pha trộn keo như thế nào để đảm bảo nhất, tỷ lệ nước bao nhiêu vì nếu loãng thì không kết dính mà đặc thì giấy sẽ vón cục.

"Trong quá trình làm, nhóm đã gặp không ít sự cố như hỏng máy xay sinh tố. Có hôm làm xong, mang phơi thì quên lấy vào, trời mưa bột giấy trôi theo nước..., lúc đó chỉ biết nhìn nhau mếu máo", Khánh Thi kể lại.

Tùy vào độ khó, học sinh mất từ 30 phút đến 2 tiếng để vẽ bằng màu nước lên những giấy được làm từ bã mía

Ảnh: Tấn Đạt

Ảnh: Tấn Đạt

Hiện tại, nhóm đang phát triển làm tranh treo tường, làm quai xách ly nước mang đi bằng bã mía thay vì dùng túi ni lông. Khánh Thi tâm sự: “Chúng em mong muốn từ bã mía có thể làm ra các sản phẩm có giá trị thẩm mỹ cao, có tính ứng dụng trong đời sống, đồng thời góp phần giảm lượng rác thải bã mía (đốt bã mía gây ô nhiễm môi trường)".

Những quai xách bằng giấy mang hơi hướng hiện đại

Ảnh: KT

Những bức tranh vẽ trên giấy từ bã mía rất sống động

Ảnh: Tấn Đạt

 

Ảnh: Tấn Đạt

Tấm thiệp mang thông điệp bảo vệ môi trường vô cùng đẹp mắt

Ảnh: Tấn Đạt

Ngoài việc bán sản phẩm kiếm tiền để phát triển thêm dự án khởi nghiệp này, Khánh Thi còn cho biết nhóm sẽ đóng góp một phần nhỏ vào quỹ giúp các học sinh nghèo ở trường

Ảnh: Tấn Đạt

Tấm thiệp nhỏ nhắn, dễ thương

Ảnh: Tấn Đạt

Những mẫu bookmark vô cùng đẹp mắt, tinh xảo

Ảnh: Tấn Đạt

 

Cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM (mặc áo dài) là người hướng dẫn trực tiếp cho nhóm, chia sẻ từ dự án này các em học được rất nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình... Đặc biệt, các em có thêm kiến thức khởi nghiệp và có tinh thần sống xanh

Ảnh: Tấn Đạt

8 thành viên của nhóm đều học Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, gồm: Trần Xuân Khánh Thi, Lương Tâm Như, Trần Nguyễn Đăng Tâm, Nguyễn Thị Bích Trâm, Dương Tường Ý Nhi, Nguyễn Anh Nhật Linh cùng học lớp 12A6.  Hai thành viên học lớp khác là Phạm Nhật Hào, lớp 12D3 và Nguyễn Hạnh Nguyên, lớp 12B.

Các em đặt tên thương hiệu là SugarPop, cùng nhau sản xuất giấy và làm các sản phẩm handmade từ bã mía với thông điệp "Mang mía đến mọi nhà".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.